Nhiều người cho rằng khả năng sáng tạo là một tài năng bẩm sinh. Nhưng thực tế, tư duy sáng tạo là một kỹ năng hơn khả năng và điều quan trọng thêm nữa là chính bố mẹ là phần chính yếu trong sự phát triển kỹ năng của trẻ. Những trải nghiệm của tuổi ấu thơ sẽ gắn liền với sự phát triển sáng tạo của trẻ. Sau đây là một vài ý tưởng giúp bố mẹ có thêm nhiều sự lựa chọn hơn trong viễc kích thích khả năng sáng tạo cho bé nhé.
Rèn luyện khả năng sáng tạo thông qua tư duy hình tượng
Tư duy hình tượng của trẻ phát triển khá tốt trong các mặt như hội họa, kể chuyện, lao động thủ công, hoạt động âm nhạc... Vì vậy, để bồi dưỡng năng lực này cho bé cần:
Trong hội họa:
Cha mẹ cần thường xuyên hướng dẫn trẻ quan sát khi ra ngoài đường bằng cách, đặt câu hỏi giúp trẻ nắm bắt được đặc trưng của những sự vật, tìm mối liên hệ hay sự khác biệt giữa các sự vật hiện tượng; chỉ cho bé hiểu chỗ nào đẹp, chỗ nào chưa đẹp và khơi dậy nguyện vọng vẽ tranh của bé. Sau khi bé bắt đầu vẽ thì nên để bé phát huy hết khả năng tưởng tượng của mình để sáng tạo ra các loại hình tượng.
Nghe kể chuyện: Nên kể cho bé nghe những câu chuyện tình tiết khúc mắc, hứng thú như những câu chuyện thiếu nhi kinh điển. Cần chọn cho trẻ nghe những câu chuyện phù hợp với độ tuổi, sự nhận thức của trẻ. Trong khi kể chuyện cần đặt ra câu hỏi để kích thích khả năng tư duy của trẻ như: Cô Tấm có xinh không? Cô mặc áo màu gì?
Hướng dẫn trẻ làm thủ công: Cha mẹ mua đất nặn, giấy trắng, giấy màu... những đồ thủ công, sau đó hướng dẫn bé chơi, dạy bé cách bố trí các bức tranh, sắp xếp cân đối...
Sức mạnh từ những cuốn truyện: Tạo cơ hội cho bé đọc những cuốn sách được viết bởi những tác giả yêu thích, với nội dung ý nghĩa, phù hợp với lứa tuổi của bé, nhiều màu sắc, hình ảnh minh họa...giúp bé dễ dàng tiếp nhận để mở rộng thêm được vốn từ, nâng cao kỹ năng giao tiếp,cảm thụ.
Tham gia các hoạt động tập thể: Tính sáng tạo không chỉ được phát huy trong môi trường cá nhân mà nó còn được phát huy mạnh mẽ trong môi trường tập thể. Cha mẹ hãy cho bé tham gia các trò chơi tập thể để bé có thể phát huy khả năng giao tiếp, sáng tạo thông qua các hoạt động đó
Tạo cơ hội cho bé tham gia các trò chơi giả tưởng
Hầu hết mọi thứ, qua trí tưởng tượng của trẻ, đều có thể làm đồ chơi. Ví dụ, khăn quàng cổ dùng để trùm đầu, thanh gỗ nhỏ bé sẽ biến thành cây kiếm thần kỳ bảo vể công chúa khỏi quái vật, hay những chú thú nhồi bông được biến hóa thành những vật nuôi trong “trang trại” tưởng tượng của trẻ.
Một ví dụ nữa đó là nếu bạn cho đứa trẻ một chiếc mũ và một chiếc khăn, chúng sẽ tạo ra rất nhiều nhân vật khác nhau với những trang phục khác nhau.
Do đó, cách tốt nhất để đứa trẻ thỏa sức sáng tạo là cho chúng tiếp xúc với thật nhiều người, nhiều hoàn cảnh và sự kiện để trau dồi thêm vốn sống giúp cho bé có thêm động lực để tưởng tượng.
Cho phép trẻ tự chủ động và tự đưa ra quyết định của mình
Hãy giúp bé linh động, tự đưa ra những quyết định của mình, có thể bắt đầu từ những việc đơn giản như cho bé tự chọn quần áo để mua và mặc mỗi ngày, tự chọn món đồ chơi mà bé thích… Đến những quyết định lớn hơn có liên quan đến trẻ bạn cũng nên hỏi ý kiến của chúng và giúp chúng đưa ra những quyết định đúng đắn.
Tạo cơ hội cho trẻ thể hiện suy nghĩ – nâng cao khả năng đặt câu hỏi
Hãy cho trẻ có cơ hội phản biện lại với bạn. Khuyến khích trẻ tìm nhiều hướng giải quyết khác nhau của một vấn đề. Khi mọi thứ đã được giải quyết thành công, hãy hỏi ngược lại trẻ những cách làm mới hơn. Để tạo cho bé sự phản ứng tự nhiên và hiệu quả nhất nếu bắt gặp lại tình huống ấy. Đồng thời, ta nên gợi nên sự tò mò để thúc đẩy sự sáng tạo, tìm hiểu của trẻ. Đó là lí do chúng ta thường thấy, ở độ tuổi lên 3 trẻ hay hỏi những câu hỏi “vì sao”. Vì vậy, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ đặt câu hỏi hoặc đặt câu hỏi để trẻ trả lời, cùng trẻ tìm hiểu những điều bí mật xung quanh chúng ta.
Khích lệ sáng tạo bằng chính ngôn ngữ của bé
Cha mẹ cần tạo bầu không khí gia đình vui vẻ thoải mái. Bé có thể đặt ra rất nhiều các câu hỏi ngộ nghĩnh, thậm chí có vẻ buồn cười nhưng cha mẹ không nên cản trở bé tự do phát triển trí tưởng tượng và đặc biệt là không nên cười nhạo, phê bình; không được dùng suy nghĩ của người lớn để yêu cầu trẻ.
Cha mẹ có thể tạo ra một số cảnh, một số tình huống để khích lệ bé suy nghĩ đến tình tiết và kết cục khác nhau của câu chuyện, sau đó cho bé tự kể lại theo suy nghĩ của mình. Hoặc trên nền một câu chuyện có sẵn, nhưng thử hỏi bé là: theo con thì câu chuyện có thể kết thúc như thế nào?
Nguồn: sưu tầm