Nghe xong, Ngô thấy hổ thẹn vì sự thiếu chín chắn của mình, anh vốn cho rằng tác phẩm càng đắt giá thì giá trị nghệ thuật càng đạt được phẩm chất cao siêu. Ngô quả quyết: “Cuộc so tài ông đã thắng! Tác phẩm của ông là báu vật vô giá, có dùng tiền cũng không mua được, còn tác phẩm của tôi hoàn toàn có thể mua được nếu có tiền. Tác phẩm của ông đem lại sự đổi thay trong đời sống cho mọi người, còn tác phẩm của tôi chỉ là vật trang trí trong nhà của những người có tiền mà thôi”. Câu chuyện trên là một cách hiểu, để nhận diện giá trị đích thực của tác phẩm nghệ thuật tạo hình.
Thiếu vắng tài năng tầm vóc
Vào thập niên sáu mươi của thế kỷ XX, hội họa Việt Nam xuất hiện hai bộ tứ trụ huyền thoại, mang tầm vóc Quốc tế, đó là: “nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn” và bộ tứ thứ hai là: “nhất Sáng, nhì Liên, tam Nghiêm, tứ Phái”. Nhưng từ năm 1975 đến nay, mặc dù chúng ta có rất nhiều tác phẩm hay, nhiều họa sĩ giỏi nhưng chưa có thêm được “bộ tứ trụ huyền thoại” nào nữa. Phải chăng cuộc sống hiện đại và những tiện nghi tiêu dùng đầy đủ, cùng các phương tiện giải trí phong phú đã triệt tiêu những câu thúc, dồn nén, những khát vọng sáng tạo của người nghệ sĩ? Cách nhìn nhận, định giá một tác phẩm nghệ thuật, chính là quan tâm đến đời sống của nó. Tác phẩm đó đang ở đâu, có ở trong lòng công chúng hay không?… Tác phẩm tốt phải có chỗ đứng của nó. Nếu mà treo ở nhà họa sĩ thì ít người quan tâm, hoặc gửi ở gallery thì càng khó phân biệt thật – giả, ngoại trừ gallery chỉ có tranh của một họa sĩ. Vì thế, nếu tác phẩm không được nhắc đến, không được phát hiện, suy tôn thì tác giả cũng không được nhiều người biết đến. Và nếu không chăm sóc cũng sẽ dần thui chột. Chúng ta có triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 5 năm một lần, trao thưởng Huy chương Vàng, Bạc, Đồng…, nhưng rồi tác giả, tác phẩm cũng trôi theo thời gian ít được nhắc đến. Thử hỏi đến những Huy chương Vàng, Huy chương Bạc mươi năm qua thuộc về tác phẩm nào, của ai.., cũng không mấy người nhớ kể cả là người trong giới mỹ thuật chứ chưa nói gì đến người ngoại đạo. Nhìn lại chặng đường phát triển của mỹ thuật Việt Nam từ khi có trường đào tạo họa sĩ (1925) đến nay, hơn chín mươi năm qua, đã có biết bao thế hệ họa sĩ bậc thầy, đã có những tác phẩm ngang tầm thế giới. Ngày nay, ta vẫn mong mỏi có những tác phẩm mới mang giá trị nghệ thuật cao, có thể sánh ngang với “Điệu múa cổ”, “Kim Trọng”, “Những con giáp” của Nguyễn Tư Nghiêm; hay “Giặc đốt làng tôi” của Nguyễn Sáng; và những kiệt tác của hội họa Việt Nam như: “Thiếu nữ trong vườn”; “Thiếu nữ bên cây phù dung” của Nguyễn Gia Trí; hoặc “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Hai thiếu nữ và em bé” của Tô Ngọc Vân…
Ảo tưởng tài năng, nhập nhằng định giá
Với một họa sĩ lớn như Picasso, ông vẫn học vẽ từ cơ bản, từ chân – thiện – mỹ. Để có những tác phẩm trừu tượng/ lập thể như ngày nay, ông phải hiểu bản chất thực của sự vật hiện tượng. Quá nửa đời người Picasso và các họa sĩ cùng thời nghiên cứu tìm tòi mới có được những kiệt tác như: “Les Demoiselles d’Avignon” (Những cô nàng ở Avignon) của Picasso; hay bức “The card Players” (Người chơi bạc) của Cezanne; hoặc bức “The Kiss” (Nụ hôn) của Klimt…
Họa sỹ Trung Hoa Tề Bạch Thạch lăn lộn “tầm sư học đạo”, sinh thời khi dạy học trò, ông đã có những câu nói sâu sắc: …vẽ tranh “thực”quá là mị tục, “hư” quá là dối đời; tranh vẽ phải hư hư thực thực, thế mới là thực. Câu nói đó hiểu nôm na là: Vẽ tranh mà sao chép nguyên bản đúng như thực tế, cái gì cũng phơi hết ra, tức là nhìn thấy thế nào thì vẽ như thế, thì bức tranh sẽ thô cứng, không có chiều sâu, nhìn dễ chán mắt; tranh vẽ phải biết lược bỏ, chỗ nào cần diễn, chỗ nào lơi bỏ và phải có chỗ tỏ, chỗ mờ gây uyển chuyển… thì bức tranh mới sinh động; nhưng nếu họa sĩ lại vẽ mờ ảo khiến người xem không nhận ra gì thì lại trở nên dối đời.
Ở nước ta, có một thực tế đáng buồn là, thị trường mỹ thuật hiện nay có một số họa sĩ hay thợ vẽ tự đề cao giá trị tác phẩm của mình, họ “độn giá” theo mức giá của các họa sĩ master (bậc thầy). Ngộ nhận rằng tác phẩm của mình là tác phẩm lớn, trong khi không có hội đồng nào thẩm định, không tham dự triển lãm bao giờ. Trong vô vàn tác phẩm đặt giá cao, không phải tác phẩm nào cũng xứng đáng. Có họa sĩ bán được vài tranh cho khách nước ngoài, vậy là nghĩ rằng tranh của mình có giá mà không nghĩ tranh đang ở đâu, họ mua về làm gì?
Đôi lúc vì tiếng đồn thổi, nhiều tác giả ảo tưởng, nghĩ rằng tranh mình có giá nên cứ tự tin vẽ theo một mô típ được lặp đi lặp lại. Nhiều lúc nghèo nàn cả nội dung đến sự biểu cảm. Tuy rằng vẫn có những tác phẩm hay, nhưng mỗi lần “xuất xưởng” chỉ có tác giả biết, còn tác phẩm đang tồn tại ở đâu thì lơ mơ không hay biết… Cũng có một vài họa sĩ lập trang web đặt giá cao vống ngất trời, rồi nhờ vài người đăng ký mua, tạo thị trường mua bán ảo, mục đích là câu khách kiếm lời. Một bộ phận nhỏ họa sĩ chưa hiểu hết mình, nhiều khi vẽ hình yếu thì ngộ nhận cho là “bóp méo” thì mới ra tranh. Diễn tả không ra thì cho là vẽ “tranh trừu tượng”…, khiến cho người xem không thể hiểu nổi tác giả muốn vẽ/ thể hiện gì. Công chúng có khá nhiều người thích chơi tranh nhưng họ không được trang bị kiến thức ban đầu về mỹ thuật, vì thế khả năng nhận thức về tranh hạn hẹp, dẫn đến tự ti. Khi tiếp xúc với tác phẩm tạo hình, công chúng không cởi mở. Một bộ phận tư duy cũ vẫn quan niệm rằng tranh là cái gì rất cao xa mà họ chưa “với” được. Trên thực tế, vẫn có một số ít người biết đôi chút về trường phái hội họa, đã bỏ tiền ra để sưu tầm nhiều tranh của một số họa sĩ (chủ yếu là tranh chép), để đánh bóng mình. Thực chất họ chưa biết giá trị đích thực của bức tranh, mà vẫn chỉ là sự quy đổi “giá mua” thành giá trị nghệ thuật mà thôi. Với sự phát triển của nhân loại – xã hội – khoa học có những thị hiếu nảy sinh. Trong vô vàn thông tin, nhu cầu hưởng ngoạn nghệ thuật tạo hình cũng thay đổi, không ít công chúng muốn đến với nghệ thuật tạo hình, họ trân trọng giá trị nghệ thuật đích thực, quan tâm đến đời sống tác phẩm. Các họa sĩ chân chính thường tự chủ nhìn thẳng vào sự thật, họ biết giá trị của tác phẩm mình làm ra theo lương tâm, ít đòi hỏi. Không đánh giá tác phẩm theo “công nhật”, không so đo kích thước lớn bé hay thời gian sáng tác, mà họ luôn nghĩ đến giá trị đích thực của tác phẩm tạo hình do công chúng đánh giá. Một tác phẩm của Bùi Xuân Phái trước kia chỉ đổi lấy cốc cà phê, nhưng tồn tại mãi đến tận bây giờ, bởi lẽ tác phẩm được công chúng biết đến và trân trọng, đến nay đã trở thành vô giá.
Và một số giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam nhưng ít người biết, vì tác phẩm không có nơi trưng tập hay trưng bày. Để tác phẩm đến gần với công chúng, khẳng định được giá trị đích thực, không ngoài việc phải có Bảo tàng lưu giữ và giới thiệu cho khách đến thăm quan.
Thiết nghĩ, nền nghệ thuật tạo hình muốn sống trong lòng công chúng, thì phải để công chúng được thụ hưởng trước. Điều đó yêu cầu mỗi người họa sĩ phải tự nhìn lại mình về cả tư duy và tài năng. Không nhất thiết phải tạo hình trừu tượng khi công chúng còn chưa tường tận về nghệ thuật tạo hình. Không phải cứ tạo nên hình ảnh sự vật méo mó thì mới là nghệ thuật, trong khi công chúng chưa đủ hiểu hết về mỹ thuật…
Nguồn Văn nghệ số 45/2017