Triển lãm cá nhân của họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan mang tên “Dải hẹp của bầu trời” là một tập hợp tác phẩm của quá trình 7 năm làm việc, bao gồm 3 giai đoạn với 3 Series chủ lực “Desolation”, “Sự sống mong manh” và “Dải hẹp của bầu trời”. Triển lãm khai mạc vào lúc 11h ngày 1/11/2018, kết thúc ngày 11/11/2018 tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.
******* Tôi vẫn còn nhớ một trưa mùa hè hai năm trước, khi bước vào căn phòng mát rượi quen thuộc của Eight Gallery và lần đầu tiên biết đến một tên tuổi còn xa lạ với tôi: Nguyễn Ngọc Đan. Nhưng những bức tĩnh vật hoa trong phòng tranh ấy lại đem đến một cảm giác hết sức thân thuộc, cảm giác về sự bình yên khởi đầu từ thị giác rồi lan tỏa đến não bộ thật là dễ chịu. Cái bảng màu ở các bức tĩnh vật của Nguyễn Ngọc Đan tôi chưa thấy ở đâu cả: những mảng màu riêng biệt và những hòa sắc nhuần nhị không cố tìm cách gây ấn tượng tức thì nơi người xem mà cứ thong thả chạm vào phần hồn của họ, tựa như những giai điệu một khúc nhạc nào đó thật thân quen chợt ngân lên rộn rã… Tôi đã ở một mình trong phòng tranh ấy khá lâu, ngắm nhìn từng bức tranh rồi mới tìm thông tin về tác giả, để rồi hiểu được vì sao tranh của cô có được sự chắc tay về kỹ thuật và thủ pháp hội họa như vậy khi diễn đạt những cảm xúc sâu lắng qua tranh tĩnh vật.
Rồi cách đây không lâu, trong một triển lãm khu vực đông vui, tôi tìm thấy một Nguyễn Ngọc Đan khác hẳn ở bức Dải hẹp của bầu trời 5. Đó là một bầu khí quyển hoàn toàn khác với “Sự sống mong manh” của những tranh tĩnh vật kể trên. Những khung cửa khép - mở hờ hững trên mảng tường xanh vert, chân tường lục đậm. Phía đối diện là mảng tường tím violet với chiếc lồng chim treo cao. Sắc tía của lối đi giữa hai bức tường nhà. Xa hơn là màu cam chín của tường nhà khác và sắc cam nhạt của nền trời. Những sắc màu thật “khó chịu” ấy đặt kề bên nhau trong tranh mà không gây khó chịu cho thị giác, trái lại chúng làm thành một tổng thể hài hòa. Tôi còn thích cái không khí nhuốm màu siêu thực trong tranh, ít nhiều gợi nhớ những tác phẩm của Giorgio de Chirico khi ông vẽ những thành phố bí ẩn và hoang vắng, những con đường sầu muộn và u tịch không hiện hữu trong đời thực. Loạt tranh mới nhất của Nguyễn Ngọc Đan với tên gọi “Dải hẹp của bầu trời” có chung hình ảnh những chiếc lồng chim xa gần cao thấp lớn nhỏ - nhưng thảy đều đem đến cảm giác về sự tù túng, đơn côi - trong khung cảnh phố và nhà chật chội, cũ càng, phi thực “như mộng, huyễn, bào, ảnh”*. Phải chăng đó là ẩn dụ về một cõi tồn sinh chật hẹp, người sống thì đông đúc nhưng là những cá thể cô đơn, như thân phận con chim bị nhốt trong lồng kia hay như thân phận chàng Samsa trong Hóa thân của Kafka - kẻ mãi mãi cô đơn, phải sống lưu đày ngay trong ngôi nhà thân yêu của mình? Và phải chăng, với “Dải hẹp của bầu trời” Nguyễn Ngọc Đan cũng mơ ước chỉ có sáng tạo nghệ thuật mới giúp con người thoát khỏi cô đơn? (*) câu kệ trong bài kệ kết thúc Kinh Kim Cang
( BÀI VIẾT CỦA NHÀ BÁO NGUYỄN TRỌNG CHỨC - nguyên là Thư ký tòa soạn tuần báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật (1983 - 2008), nguyên Thư ký tòa soạn tạp chí Mỹ Thuật TP.Hồ Chí Minh (2001 - 2004, hiện là trưởng ngành lý luận phê bình của Hội Mỹ thuật TPHCM). Ông viết về mỹ thuật từ năm 1976 đến nay, với nhiều bút danh khác nhau, nhưng quen thuộc với người đọc là Nguyệt Cầm và Diên Vỹ. Nguyễn Trọng Chức trở thành bạn hữu của nhiều họa sĩ từ Bắc chí Nam thuộc nhiều thế hệ, trong đó có những tác giả đã vẽ chân dung ông.)
#hoasi #NguyenNgocDan