Tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc tại Học viện Hàn lâm quốc gia Mỹ thuật Surikov (Mátxcơva, LB Nga) năm 2005, nữ họa sĩ thế hệ 8X quyết định về nước tìm lối đi riêng và gặt hái được không ít thành công sau 9 năm du học nơi xứ người.
Ngọc Đan đã tham gia nhiều trại sáng tác quốc tế, có nhiều triển lãm cá nhân và nhóm trong nước, quốc tế được đánh giá cao.
Chị có thể chia sẻ những khó khăn ban đầu khi trở về hòa nhập vào môi trường nghệ thuật trong nước? Và điều gì đã khiến chị quyết định trở về?
- Trong quãng thời gian 9 năm ở Nga, tôi đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống và nhận thấy mình vẫn dành tình yêu rất lớn cho Sài Gòn, nơi mà những người thân yêu của tôi đang ở đó. Tôi mong muốn quay về để chuyên tâm hoạt động nghệ thuật, theo đuổi con đường sáng tác đã mơ ước ngay từ những ngày đầu học vẽ. Năm 2011, tôi quyết định trở về Việt Nam.
Những ngày đầu mới quay về Sài Gòn, tôi gặp những khó khăn rất lớn trong việc hòa nhập với môi trường sống, chưa nói đến việc hòa nhập vào môi trường nghệ thuật. Mọi việc phải gây dựng lại từ đầu, tôi cảm thấy lạc lõng và mất phương hướng, cũng nhiều lần tự vấn bản thân, liệu quyết định của mình là đúng hay sai.
Lúc đó, tôi bắt đầu vẽ, gần như trong 3 năm đầu tiên của cuộc sống ở Việt Nam, tôi tránh né việc giao tiếp, sống khép mình chỉ tập trung vào sáng tác, đối mặt với chính bản thân. Tôi vẽ bộ Desolation trong khoảng thời gian đó.
Hình như triển lãm cá nhân đầu tiên của chị không phải ở trong nước?
- Năm 2014, sau 3 năm ẩn mình vẽ, tôi quyết định sang Indonesia để thăm một người bạn thân thiết đã cùng học ở Nga. Đó là một nữ họa sĩ nổi tiếng sinh năm 1971. Bạn tôi sau khi xem bộ tranh đã quyết định giới thiệu tôi với một gallery tại Indonesia để tổ chức triển lãm cá nhân.
Và tháng 2.2015, triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi đã diễn ra tại Limanjawi Art House ở Borobudur, đánh dấu lần đầu tiên tôi xuất hiện trong vai trò họa sĩ trước công chúng yêu nghệ thuật và giới họa sĩ Indonesia.
Đó cũng là bước ngoặt lớn trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi, tạo tiền đề cho sự kết nối, hợp tác tổ chức triển lãm và là cơ hội đưa nhiều họa sĩ tham gia trại sáng tác và triển lãm quốc tế sau này.
Bên cạnh sáng tác tranh, trong suốt mấy năm qua, chị còn nổi bật như một họa sĩ trẻ giàu năng lượng và không ngừng nghỉ qua các hoạt động tích cực như tổ chức, kết nối đưa các đoàn họa sĩ trẻ đi triển lãm tranh ở nước ngoài. Chị có hài lòng với vai trò “thủ lĩnh” không?
- Tôi may mắn được mời tham gia rất nhiều chương trình triển lãm và trại sáng tác quốc tế ở nhiều nước trên thế giới, qua đó thu thập thêm nhiều kiến thức và nhận được nguồn cảm hứng lớn lao từ những vùng đất xa lạ. Việc tiếp xúc với các họa sĩ đến từ nhiều quốc gia, chứng kiến quá trình làm việc, tư duy và cách xử lý chất liệu của họ cũng là động lực để tôi ngày càng hoàn thiện bút pháp và phong cách.
Càng đi nhiều, tôi nhận thấy quả thật là điều thiệt thòi cho các họa sĩ Việt khi không được cọ xát với đồng nghiệp ở các quốc gia khác, điều đó khiến tôi cố gắng kết nối, tuyển chọn và giới thiệu các đồng nghiệp với BTC Workshop, triển lãm ở nhiều nơi để có cơ hội tham gia trong những chương trình giao lưu nghệ thuật quốc tế càng nhiều càng tốt.
Có thể vì vậy mà một số anh chị và các bạn ưu ái nên dành những mỹ từ cho tôi, gọi tôi là “thủ lĩnh”. Sắp tới tôi mong mình có thể làm được thêm nhiều việc nữa cho hoạt động mỹ thuật, đặc biệt là cho phong trào nghệ thuật ở miền Nam.
Theo chị, để một họa sĩ trẻ nhanh chóng tự tin hòa nhập vào môi trường nghệ thuật nước ngoài cần có những yếu tố gì? Những chuyến đi xuất ngoại như vậy sẽ mang lại những tích cực gì cho các họa sĩ trẻ? Qua những chuyến đi đó, liệu việc “khênh tranh” ra thế giới với đại đa số các họa sĩ trẻ Việt có phải là điều không còn xa vời?
- Để một họa sĩ trẻ tự tin hòa nhập vào môi trường nghệ thuật nước ngoài, theo tôi cần nhiều yếu tố: Họ phải có quá trình làm việc chuyên nghiệp, các curator (giám tuyển) nước ngoài thường xem cả quá trình sáng tác và ưu tiên lựa chọn các họa sĩ có bước chuyển, nghĩa là có giai đoạn và quá trình, các tác phẩm có sự phát triển chính từ trải nghiệm của họa sĩ.
Thứ hai, họ rất trân trọng họa sĩ có phong cách tạo hình riêng, tư duy hiện đại. Họ thích đọc thấy những tư tưởng và suy nghĩ cá nhân của người nghệ sĩ về đời sống, về xã hội thông qua tác phẩm.
Tác phẩm là tấm gương phản ánh chính con người, tư duy và triết lý sống của người nghệ sĩ và nghệ thuật không bao giờ là “ánh trăng lừa dối” cả.
Những chuyến đi xuất ngoại cũng là cơ hội mà các họa sĩ được tiếp cận với nhiều nền nghệ thuật, tham quan Bảo tàng, học hỏi kỹ thuật xử lý chất liệu của các họa sĩ cùng tham gia qua các Workshop và nhất là những trải nghiệm về cuộc sống, cảnh quan và con người có thể góp phần làm thay đổi cảm quan màu sắc cũng như cách thức xây dựng tác phẩm, tạo nên ảnh hưởng đối với nghề nghiệp.
Thông qua các chuyến đi triển lãm, sáng tác ở nước ngoài thì các họa sĩ Việt sẽ có động lực làm việc hơn và qua đó cũng kết nối được với các đồng nghiệp, từ đó việc mang tranh Việt ra thế giới dễ dàng hơn.
Chị có thể bật mí một số kế hoạch sáng tác hiện tại?
Hiện tại tôi đang rất yêu thích chủ đề của bộ tranh Dải hẹp của bầu trời và vẫn tiếp tục chủ đề này trong khoảng thời gian tới, kết hợp với việc tham gia triển lãm quốc tế ở nhiều nước đã được lên kế hoạch từ trước.
- Cảm ơn chị và chúc thành công hơn nữa!
Nguyễn Trần (thực hiện)