Vai trò của thẩm mỹ trong đời sống con người

Thẩm mỹ trực tiếp thúc đẩy tâm lý, làm tăng năng suất lao động, nhưng nó còn tham gia nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, vai trò chủ yếu của nó vẫn là làm giàu có cho đời sống tinh thần của con người. Vai trò của những thước đo thẩm mỹ trong đời sống tinh thần cũng tương tự như vai trò của những thước do đạo đức trong đời sống xã hội.

Những thước đo này liên quan chặt chẽ với nhau và liên quan với trình độ dân trí, truyền thống, mức độ giao lưu quốc tế và nhiều yếu tố khác.

Nói đến thẩm mỹ không thể không nói đến khái niệm cái đẹp. Nhưng đó là một câu hỏi làm đau đầu biết bao nhiêu nhà triết học thuộc đủ mọi quốc gia, sống ở mọi thời đại trong lịch sử. Tôi chỉ có thể nói: cái đẹp bao hàm hai cực: sự phóng khoáng và sự tinh tế. Ở đây may ra có thể có sự phân biệt giữa phương Đông và phương Tây. Phương Tây thường tìm tới cái đẹp trong sự phóng khoáng, hùng vĩ, còn phương Đông - trong sự tinh tế, tỉ mỉ.

Cái đẹp là sự hài hoà, sự cân đối cả trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Nhưng trước khi nói đến thẩm mỹ của con người cần đề cập đến thẩm mỹ về con người, tức cái đẹp của con người. Con người cần có cả sự phóng khoáng lẫn sự tinh tế, hơn nữa, cần sự kết hợp hai cực khác nhau ấy cả vĩ mô lẫn vi mô, trong đời sống của mình. Con người không phóng khoáng thì không tạo ra được sự hùng vĩ về mặt nhân cách. Sự hùng vĩ thể hiện trong nghệ thuật như trường ca, như những bức tranh hoành tráng. Con người cũng phải xây dựng cái đẹp của mình trong sự hùng vĩ của cá nhân.

Đối với thiên nhiên con người quá nhỏ bé. Có lẽ con người nhận thức và ý thức được sự nhỏ bé của mình so với thiên nhiên nên luôn luôn tìm kiếm kích thước của mình. Đó chính là cách con người sử dụng để thách thức thiên nhiên.

Nhưng con người sống với nhau, hàng ngày va chạm, còn cần có sự tế nhị, sự tinh tế. Sự tinh tế cần phải được kết hợp với sự hùng vĩ của tâm hồn để tạo ra vẻ đẹp. Nếu con người chỉ nghĩ đến cái đẹp bên ngoài bản thân thì không đủ. Người ta nhận ra giá trị thẩm mỹ của con người chủ yếu là thông qua chính nó. Sự tinh tế không chỉ bổ sung, mà còn duy trì cảm xúc của con người về đối tượng.

Tất nhiên, con người còn lệ thuộc vào phương tiện, vì thế phương tiện cũng phải đẹp. Vẻ đẹp của tiện nghi là phương tiện bổ sung, giúp cho người ta nhận ra cái vẻ đẹp thật của con người. Hiện nay, khi nghiên cứu mỹ họe, người ta thường chỉ nghiên cứu vẻ đẹp nghệ thuật, vẻ đẹp kiến trúc, vẻ đẹp sản phẩm... Nghiên cứu mỹ học, theo tôi, trước hết cần phải bắt đầu bằng nghiên cứu tiêu chuẩn của vẻ đẹp con người.

Cái đẹp là sự kết hợp của các quan niệm cả khách quan lẫn chủ quan. Có thể nói trí tuệ của nhân loại hiện nay chưa đủ để xây đựng được tiêu chuẩn về cái.đẹp. Có những lúc, như trong thời kỳ chiến tranh chẳng hạn, người ta xem những người anh hùng là vẻ đẹp. Từ thời La Mã cổ đại người ta đã tôn sùng vẻ đẹp của người anh hùng. Người ta đem đối lập họ với những kẻ tiểu nhân. Nhưng con người thông thường thì nhiều mà người anh hùng thì ít. Con người đã bắt đầu thay đổi lý tưởng của mình về vẻ đẹp. Người ta không còn nhìn vào sự hùng vĩ, không còn nhìn vào quá khứ nữa, mà bắt đầu nhìn vào nhau với tư cách là các đối tượng. Vẻ đẹp bây giờ là vẻ đẹp dân sự.

Tiêu chuẩn trước tiên của thẩm mỹ về con người ở thời kỳ hiện đại chính là khả năng hợp tác. Con người thường khâm phục những ai sống được với tất cả mọi người. Những ai có ích cho tất cả mọi người, đó là những người đẹp nhất. Tiếp đó là năng lực tiếp nhận. Chúng ta thường nói người này thông minh, người kia sáng dạ. Đấy chính là một vẻ đẹp, vẻ đẹp của năng lực tiếp nhận cởi mở. Tiêu chuẩn thứ ba của vẻ đẹp con người hiện đại là sự hài hoà giữa đời sống tâm hồn và đời sống vật chất. Nói đến vẻ đẹp của con người thì không phải là nói về một sự nghiệp, mà trước hết là nói đến tiêu chuẩn đời sống hàng ngày. Cuối cùng, một con người muốn đẹp thì phải là con người có giáo dục, trong sự giáo dục đó có giáo dục về cái đẹp. Giáo dục góp phần nâng cao khiếu thẩm mỹ của con người, giúp họ có khả năng nhận ra cái đẹp và sau đó là khả năng làm mình đẹp lên.

Trong các nguyên lý về mỹ học có ba tiêu chuẩn chân, thiện, mỹ. Nhưng chân, thiện, mỹ là chức năng giáo đục của nghệ thuật chứ không phải là tiêu chuẩn của cái đẹp. Cái đẹp có thể không bao gồm cái thiện vì cái đẹp được quan niệm khác nhau trong từng thời đại. Đôi khi, vì những lý do thiển cận, người ta có thể dẫn đắt cả một dân tộc làm những điều sai lầm chỉ vì muốn đáp ứng với những tiêu chuẩn cái đẹp nhất thời. Giết nhiều người chẳng hạn, đó không phải là cái đẹp. Hồ Chí Minh từng nói rằng một trận đánh mà chết nhiều người không phải là một trận đánh hay. Cái đẹp nhất thời và cái đẹp vĩnh hằng là những mức độ khác nhau của cái đẹp.

Cái đẹp có thể được thể hiện qua cái Hài, cái Bi hoặc cái Hùng, nhưng nó không hề lệ thuộc vào hình thức biểu hiện ấy. Dù là Bi, Hùng hay Hài, nó vẫn luôn là cái đẹp. Cái đẹp là linh hồn còn Hài, Bi hay Hùng chỉ là cách thể hiện mà thôi. Cái đẹp không lệ thuộc vào
hình thức thể hiện. Cái đẹp chỉ lệ thuộc vào tâm hồn. Cái đẹp được chất ra từ đó. Đôi khi người ta thấy có sự khác biệt, thậm chí là mâu thuẫn, giữa những người sáng tác ra các tác phẩm nghệ thuật và cuộc sống thực không đẹp của họ. Thực ra đó là một mâu thuẫn giả. Nguyên soái Liên Xô Giukov chẳng hạn. Ông là một nhà quân sự vĩ đại, người đã có đóng góp to lớn trong việc tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Ông chính là tác giả cuốn Kết thúc cuộc chiến tranh thê giới thứ II và sự tan rã của nhà nước phát xít, nhưng ông vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi ở trước của nhà một bà già bán bánh mì tên là Giukova. Nếu ta nhìn thấy một cách thông thường thì những con người này có thể không đẹp, không hay, nhưng từ sâu thẳm trong thiên tư, họ đã chặt lọc ra cái tinh tuý nhất của mình để sáng tác ra những cái làm cho mọi người đều phải thán phục.

Người ta thường nhầm lẫn giữa tác phẩm và con người. Tác phẩm nghệ thuật không hề giống con người đẻ ra nó. Nói đúng ra thì không phải tác giả, mà chất thần thánh trong anh ta đã tạo ra chất thần thánh của tác phẩm.

Cần phân biệt rõ ràng cái đẹp và người làm ra cái đẹp. Nếu không phân biệt được hai khái niệm này thì không lý giải được cái đẹp trong đời sống văn hoá. Người làm ra cái đẹp không nhất thiết phải nghĩ mình làm ra để làm gì. Người theo đuổi giấc mơ vì cái đẹp hãy cứ mơ, còn nhân loại, những người hưởng thụ cái đẹp, sẽ nhận ra vẻ đẹp ấy. Cái đẹp đến với con người bằng cách nào không quan trọng lắm, nhưng cái đẹp sẽ được nhận biết bởi con người và không bao giờ người làm ra cái đẹp nhận ra hết giá trị của cái đẹp và nhận ra giá trị thực dụng của cái đẹp.

Tính chất thánh thiện của những người sáng tạo ra cái đẹp là họ không hề mơ tưởng tới nó trong các tác phẩm của họ. Không ai có thể tạo ra sự vĩ đại của mình bằng cách vừa làm vừa nghĩ mình sẽ vĩ đại. Cái vĩ đại là do sự xác nhận của người khác vào một thời điểm mà con người bỗng sực tỉnh về giá trị của nó. Cho nên người sáng tạo ra cái đẹp ẩn náu vào qui luật riêng của họ, họ khép kín bản thân họ, sáng tạo bằng sự cô đơn của họ. Người sáng tác ra cái đẹp vô tư quên mình và không hề biết đến giá trị của nó, chỉ biết rằng mình đang tạo ra cái đẹp theo chính quan điểm của mình. Mỗi một người như vậy sẽ góp phần tạo ra sự phong phú của cái đẹp trên đời.

Có một câu chuyện hoang đường rất hay được nhắc đến là những người sáng tạo phải sống trong nghèo khổ mới có thể sáng tác ra những tác phẩm hay. Điều đó không đúng. Ai có chất liệu của thiên thần thì kẻ đó sáng tác hay, dù họ là người nghèo hay người giàu. Nhưng có một điều kiện chung cho những người sáng tạo ra cái đẹp: đó là sự cô đơn. Cô đơn chứ không phải là nghèo khổ. Người đời thông thường nhìn thấy Chopin bất hạnh, Beethoven nghèo khổ... Nhưng Chopin và Beethoven chưa chắc đã nghĩ như thế. Có thể là họ không cần một số thứ chứ không phải là họ không có những thứ ấy.

Nghiên cứu thẩm mỹ, chúng ta không thể lẩn tránh việc xác định một cơ cấu nội tại của thẩm mỹ... Theo tôi, cơ cấu nội tại đó bao gồm:

- Năng lực thẩm mỹ: Đó là năng lực sáng tạo ra cái đẹp và thưởng thức cái đẹp, một trong những năng lực đặc thù của con người. Có thể nói, năng lực đó hình thành cùng với toàn bộ cuộc sống lao động, tư duy và phát triển của con người, hay nói cách khác là cùng với chính bản thân con người. Trong quá trình sống, con người không ngừng tương tác với nhau, con người không ngừng hoàn thiện các công cụ lao động, các tiện nghi trong đời sống, những mối quan hệ với nhau và với thiên nhiên. Không những thế, con người còn tự hoàn thiện chính bản thân mình. Tương tác giữa con người với nhau làm nảy sinh các giá trị thẩm mỹ mang tính xã hội, tức là đạo đức. Việc hoàn thiện những mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên làm nảy sinh các giá trị thẩm mỹ nghệ thuật. Như thế, thẩm mỹ thực ra bao trùm cả đạo đức lẫn nghệ thuật.

- Hoạt động thẩm mỹ: Là các hoạt động của nhà sáng tạo làm ra các giá trị thẩm mỹ. Như trên đã nói, thẩm mỹ thực ra bao trùm cả đạo đức lẫn nghệ thuật, vì thế nhà sáng tạo phải được hiểu theo nghĩa rộng. Đó không chỉ là các nhà văn, nhà thơ nhà điêu khắc... mà cả những con người bình thường đang hàng ngày hàng giờ tạo ra những vẻ đẹp thường ngày cho cuộc sống chúng ta.

- Các giá tri thẩm mỹ: Các giá trị thẩm mỹ thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó có thể là những tác phẩm nghệ thuật (như văn học, hội hoạ, kiến trúc, điêu khắc...), có thể là những phong cách ứng xử, giao tiếp..., nhưng cũng có thể dưới dạng những công nghệ, kỹ thuật và cơ chế quản lý sản xuất... hay thông qua luật pháp.

Như vậy, các giá trị thẩm mỹ không thể hiện trong một lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội mà trong mọi hoạt động xã hội của con người. Nó tham gia cấu tạo nên môi trường văn hoá của con người.

Theo VĂN HÓA VÀ CON NGƯỜI

January 2025
Mo Tu We Th Fr Sa Su
30 31 1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31 1 2

Sự kiện nổi bật

Hè vui sáng tạo

Lớp vẽ mỹ thuật thiếu nhi D.A.N Studio là nơi nuôi dưỡng và phát huy trí tưởng tượng phong phú của con trẻ, với phương châm tôn trọng cá tính...

Video Clip

 

 
 
 
 

D.A.N Studio

Tầng trệt tháp V3, tòa nhà Sunrise City, 23 Nguyễn Hữu Thọ, P. Tân Hưng, Q.7, Tp. HCM
028 7305 61 07    
admin@danstudio.vn    
danstudio.vn