Trong phiên đấu giá tranh được xem là “vị nghệ thuật” đầu tiên ở TP HCM, diễn ra đêm 17-12, có 14 tác phẩm nghệ thuật được bán đấu giá trực tiếp. Đây là sự kiện được giới mỹ thuật ủng hộ vì nó không phải gánh vác, kiêm nhiệm thêm nhiều chức năng, sứ mệnh nào ngoài việc đem đến cho người mê mỹ thuật cái đẹp.
Nhà tổ chức Lý Thị cho biết điểm đặc biệt nhất của phiên đấu giá là sự tái hợp của 2 danh họa sinh cùng năm: Lê Phổ (1907-2001) và Affandi (1907-1990). Khoảng 20 năm qua, họ đã vài lần “song kiếm hợp bích” để tạo nên niềm hứng khởi, sự kịch tính cho các phiên đấu giá quốc tế. Họ cũng đang thuộc số ít các tác giả được tìm kiếm bậc nhất tại Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, phiên đấu giá còn có những tác phẩm của các họa sĩ: Hasim (Indonesia), Trần Đồng Lương, Lê Văn Xương và những họa sĩ trẻ: Lê Kinh Tài, Bùi Tiến Tuấn, Nguyễn Ngọc Đan, Lương Lưu Biên, Lê Thiết Cương, Nguyễn Hoài Hương cùng 2 bộ sưu tập rượu vang có hình minh họa tranh của danh họa Picasso và Tô Ngọc Vân. Với sự chọn lọc tác phẩm và tác giả như trên, nhà tổ chức hy vọng có một phiên đấu giá tranh “vị nghệ thuật” kịch tích và thành công.
Khác với các phiên đấu giá tranh từ thiện diễn ra trước đó, phiên đấu giá tranh “vị nghệ thuật” này diễn ra kém sôi nổi và kịch tính hơn. Bức “Hoa mẫu đơn” của cố họa sĩ Lê Phổ được mua với giá 40.000 USD (giá gốc 30.000 USD). Theo người am hiểu, đó là mức giá bình thường vì tranh của ông trên thị trường thế giới không khi nào bán với giá dưới mấy chục ngàn USD. Bức “Hội chợ phù hoa” của họa sĩ Affadin không có người mua dù tranh của ông rất nổi tiếng trên thị trường Đông Nam Á. Những bức tranh của các họa sĩ: Trần Đồng Lương, Lê Văn Xương, Nguyễn Ngọc Đan được mua với giá chênh nhau không cao, từ 100 USD cho đến 2.000 USD.
Phiên đấu giá cũng không có sự cạnh tranh sát sao giữa nhiều người mua để giá tranh được đẩy lên mà chỉ có một người trả giá rồi trở thành chủ sở hữu. Trong các họa sĩ trẻ, chỉ có tranh của Nguyễn Ngọc Đan bán được.
Tuy nhiên, phiên đấu giá này đã đưa ra một cách nhìn khác về cái gọi là đầu tư cho mỹ thuật. Người mua tranh không vì đánh bóng tên tuổi mà chỉ vì yêu thích, cũng không vì lời đồn thổi tên tuổi của tác giả. Mức giá đấu so kè từng chút một cũng bởi người mua tranh về làm tài sản để ngắm, để kinh doanh chứ không phải để chơi lấy tiếng.
Nhiều họa sĩ nhận định dù không sôi nổi như đấu giá tranh vì từ thiện nhưng đây là cột mốc quan trọng cho việc hình thành thị trường mỹ thuật chuyên nghiệp tại Việt Nam. Họa sĩ Lương Lưu Biên bày tỏ: “Hy vọng sự kiện này sẽ là một trong những bước đi mang lại sự minh bạch, sự chuẩn mực và niềm tin cho những nhà đầu tư, những người yêu nghệ thuật. Từ đó, có thể giúp lành mạnh hóa thị trường và môi trường nghệ thuật”.
Theo bà Lý Bích Ngọc, đại diện nhà tổ chức, phiên đấu giá đã thành công vì đây là lần đầu tiên ở TP HCM có sự kiện này. Bà Ngọc cho biết sẽ cố gắng làm sao hằng năm có một phiên đấu giá tranh “vị nghệ thuật”, mở ra thị trường tranh mỹ thuật đầy tiềm năng ở Việt Nam.