Màu là từ chỉ các màu xanh, đỏ, cam, tím, vàng… Sắc là sắc độ đậm nhạt, nóng lạnh. Màu sắc là một hiện tượng của thiên nhiên được con người đúc kết, nhưng nếu không có ánh sáng thì không có màu và ánh sáng đã làm màu sắc thay đổi. Ở trong bóng tối đen nhất màu hoàn toàn biến mất.
Vì thế màu sắc cũng thay đổi tùy theo ánh sáng nhiều hay ít. Màu sắc của vật thể mà chúng ta nhìn thấy là tổng hòa giữa màu sắc của ánh sáng, màu sắc của chính bản thân nó, màu của môi trường và màu của bầu khí quyển đang bao bọc xung quanh các vật thể ấy. Ví dụ: nhìn ra phía chân trời ta thấy màu sắc của biển lúa, đồi núi … khác nhau trong các thời điểm của ngày, càng về tối màu sắc của bầu trời và cây cối càng hết màu và dần chuyển sang tối đen nếu không có ánh trăng. Vậy ánh sáng là do quang phổ của mặt trời và có màu tức là có ánh sáng. Màu sắc biểu hiện cụ thể ở trên cầu vồng. Cầu vồng là hiện tượng thiên nhiên, biểu hiện màu sắc của quang phổ. ( Người ta có thể làm một lăng trụ để trong buồng tối, dùng tia nắng dọi vào qua lăng trụ và hắt lên tường thì thấy được những màu chính của cầu vồng như: tím, chàm, lam, lục, vàng, da cam, đỏ.)
Trắng và đen không có trong hệ thống quang phổ mặt trời của cầu vồng, bởi vì đen là hiện tượng không có ánh sáng còn trắng là kết quả của 7 màu trộn lại (trên cơ sở quang học) do tác động của ánh sáng. Điều này có thể chứng minh như sau: cắt miếng bìa cứng hình tròn, chia làm 7 phần mỗi phần là một màu chính, làm trục giữa hình tròn và quay càng mạnh, màu càng nhạt dần và sau thành màu trắng. Ta nhìn thấy trắng hay màu hơi xám là do hình tròn quay nhanh hay chậm. Nói một cách khác đen không ảnh hưởng ở ánh sáng, còn trắng sẽ thành màu khác khi có màu nào đó chiếu vào. Ví dụ: chiếu màu đỏ thì hóa đỏ, màu xanh thì hóa xanh, có nghĩa là chịu ảnh hưởng của màu khác ( tự học vẽ – họa sĩ Phạm Viết Song). Trên thực tế nếu lấy loại màu nhân tạo giống như màu trong 7 sắc cầu vòng pha cùng với nhau không thể nào tạo ra trắng như màu ánh sáng mà cho ra màu xám đậm. Như vậy chúng ta đã nhận biết có 2 loại màu sắc đó là: màu tự nhiên do ánh sáng chiếu vào và màu nhân tạo do con người chế tạo ra qua thủ công, qua công nghệ hóa màu để phục vụ cuộc sống.
Tranh Công Huy
MÀU CƠ BẢN (FUNDAMENTAL COLORS ) VÀ MÀU HAI THÀNH PHẦN ( BINAIRE COLORS ) :
Qua quang phổ mặt trời, người ta thấy 7 sắc màu nhưng thực chất chỉ có 3 màu là Đỏ – Vàng – Lam. Ba màu này trong công nghệ hóa màu, trong hội họa gọi là màu cơ bản (fundamental), màu bậc một, màu gốc hay màu nguyên sắc, nghĩa là những màu đang ở tình trạng nguyên chất, nguyên vẹn độ tươi thắm.
Khi pha trộn hai màu cơ bản vơi nhau người ta tìm ra ba màu khác gọi là màu hai thành phần hay màu bậc hai (binare color) như màu cam, lục, tím.
- Đỏ (bậc 1) + Vàng (bậc 1) = Da cam (bậc 2)
- Vàng (bậc 1) + Lam (bậc 1) = Xanh lá cây (bậc 2)
- Đỏ (bậc 1) + Lam (bậc 1) = Tím (bậc 2)
Màu chàm nhìn thấy ở quang phổ là do sự pha trộn thêm của lam và tím nên không kể là màu bậc hai. (tùy mức độ pha trộn tím nhiều hay lam nhiều sẽ cho nhiều sắc chàm khác nhau)
Tím + Lam = Chàm
MÀU BẬC BA – MÀU BẬC BỐN
Màu bậc ba: (Tertiary) màu bậc 3 có được là do sự pha trộn giữa từng cặp màu bậc 1 và bậc 2 như
Vàng chanh (bậc 1) + Cam (bậc 2) = Vàng nghệ (bậc 3)
Cam (bậc 2) + Đỏ (bậc 1) = Đỏ cam ( bậc 3)
Lam (bậc 1) + Lục (bậc 2) = Lam lục ( bậc 3)
Lục (bậc 2) + Vàng chanh (bậc 1) = Lá mạ (bậc 3)
Màu bậc bốn: có được là do sự pha trộn giữa màu bậc 1 và 3 hay bậc 2 và 3 với phân lượng gần bằng nhau mà ra. Từ cách này ta cũng có thể pha ra các màu bậc 5 hay 6 …Các màu bậc 4, 5, 6 … còn có vai trò như những màu trung gian.
MÀU TRUNG GIAN : ( Intermedairy Colors )
Màu trung gian có được là do sự pha trộn của hai màu đang đứng cạnh nhau, pha với cân lượng gần như bằng nhau. Trên thực tế sử dụng thì màu trung gian là màu thứ ba trong khi sử dụng không nhất thiết phải pha với cân lượng bằng nhau, màu nào nhiều cũng được miễn là vừa tạo được sự kết nối giữa hai màu và hòa hợp được với tổng thể, với màu chủ đạo, tác dụng của màu trung gian là làm cho tác phẩm có sự liên lạc một cách hài hòa. Nó nhằm tạo sự liên kết chặt chẽ của hai màu đầu tiên đứng cạnh nhau, làm cho các mảng màu trong tác phẩm có sự liên lạc một cách dịu dàng, hài hòa, thuận mắt nhìn.
MÀU TƯƠNG PHẢN – BỔ TÚC – MÀU NHẤN
MÀU TƯƠNG PHẢN ( CONTRARY COLORS )
Là những cặp màu khi đặt cạnh nhau có sự đối lập nhau về sắc độ mạnh mẽ hay đối lập nhau về sáng, tối.Về bản chất và một số hình thái vừa cụ thể vừa tinh tế. Màu tương phản làm tôn nhau thêm rực rỡ, lung linh. Thường được dùng trong trang trí. Trong vẽ tranh cổ động … qua thực tế người ta đã tìm được các cặp màu tương phản như:
Đỏ – Lục ; Vàng – Tím ; Cam – Lam
Khi phối màu ta cần lưu ý mốt số dạng tương phản sau:
+ Tương phản về nóng lạnh tạo được sự sống động và chiều sâu trong tranh.
+ Tương phản về số lượng, về đậm nhạt của màu: Ví dụ khi vẽ hai nhóm người một nhóm có diện tích lớn sử dụng màu đậm bên cạnh một nhóm diện tích nhỏ hơn lại dùng màu nhạt Sự tương phản này thường dẫn tới sự mất thăng bằng và tạo sức hút thị giác. Sử dụng màu tương phản về đậm nhạt như: hồng nhạt- đỏ đậm, xanh lá đậm- xanh lá non …
+ Tương phản về sắc độ, cường độ tươi tái, độ rực hay xỉn của màu.
+ Tương phản về độ rõ, độ mờ của màu sắc. Nếu sử dụng tốt còn tạo được chiều sâu trong tranh.
Trường hợp sử dụng tương phản trở thành rợ quá , ta có thể làm dịu đi bằng cách xen màu xám hay trung tính vào hoặc làm mờ bớt một màu nguyên chất đi. Ví dụ thêm trắng giữa đỏ và lam. Thêm xám giữa vàng chanh và đen hoặc giảm lam bên cạnh đỏ. Giảm đen bên cạnh vàng chanh.Màu tương phản đặt bên nhau tuy khó nhưng lại đạt được tính ưu việt về màu sắc. Các loại tranh dân gian như Đông Hồ. Hàng Trống của dân tộc Kinh. Thổ cẩm màu các dân tộc miền núi thường dùng bạo dạn các lọai hòa sắc tương phản và đã đạt được những đặt tính ưu việt.
MÀU BỔ TÚC: ( COMPLEMENTARY )
Màu bổ túc là hai màu khi đặt gần nhau có khả năng hỗ trợ, làm hửng màu và tôn nhau lên thêm rực rỡ, thêm tươi sáng,. Ví dụ màu xanh lá gần màu đỏ thì xanh càng xanh và đỏ càng đỏ mạnh hơn. Đó là do ấn tượng từ thiên nhiên mà tìm ra quy luật của màu bổ túc. Ví dụ nhìn màu đỏ lâu thì có cảm giác là màu xanh lá bên cạnh. Cũng như ta nhìn đỏ thì thấy có màu xanh bao bọc xung quanh.
Cũng cần nhấn mạnh là những màu bổ túc không nhất thiết là chỉ có ba cặp màu trên, đó chỉ là những cặp màu cơ bản Trên phạm vi hình vành khăn của vòng thuần sắc chúng ta thường nói hai màu đối diện nhau qua tâm điểm vốn bổ sung trực tiếp cho nhau. Nếu nói theo dạng hình học thì hai màu có góc đối đỉnh với nhau sẽ làm tôn nhau lên. Trong thực tế phối màu còn có màu bổ túc xen kẽ có nghĩa là nó không phải là màu bổ túc nằm ở vị trí đối diện mà nằm ở vị trí hơi lệch sang hai bên. Màu bổ túc képcó nghĩa là hai màu này bổ túc cho một màu kia. Ví dụ ta gọi màu tím gốc là màu bổ túc trực tiếp, trực diện với màu vàng thì hai màu bổ túc xen kẽ cho màu vàng chính là hai màu tím nằm liền kề hai bên màu tím gốc. Nếu đảo ngược lại màu vàng cũng là màu bổ túc gốc trực diện của màu tím gốc và hai màu xen kẽ hay gọi là bổ túc kép cho màu tím chính là hai màu vàng ở hai bên màu vàng gốc một màu ửng cam, một màu ửng xanh đọt chuối. Màu bổ túc dùng ít thì quý, dùng nhiều thì lòe loẹt, rợ, không hài hòa. Muốn dùng nhiều không rợ thì phải có màu đệm hoặc hai màu không cùng diện tích. Do vậy việc tìm hai màu bổ sung kép có tính chất gần giống nhau để làm nền, bổ sung cho màu đối diện là nhằm thực hiện việc tìm cách tạo diện tích lớn hơn nó cũng là một trong những ý tưởng để tìm màu chủ đạo. Những định luật về màu bổ túc thường được các họa sĩ dùng một cách phổ biến từ xưa đến nay bên cạnh màu trung tính như họa sĩ Matisse vẽ bức tranh Thiếu nữ và chiếc mũ (1905-sơn dầu ) Nhảy múa (1910 –sơn dầu.)…Những hòa sắc của các màu bổ túc xen lẫn nhau, thường tăng cường cho ánh sáng trên tranh nên các họa sĩ ấn tượng chuyên tả sự diễn biến của ánh sáng thường hay dùng những định luật trên để phân tích hòa sắc, phân tích sắc độ của mọi vật trong ánh sáng và không khí ngoài trời.Nhưng nếu đem cặp màu bổ túc pha trộn với nhau thì thành màu xám xỉn. Biết được những màu bổ túc cho nhau giúp người vẽ tìm được những hòa sắc tươi sáng, rực rỡ hoặc êm dịu.
MÀU NHẤN ( EMPHATIC COLORS )
Màu nhấn là thuật ngữ dùng để nói đến vai trò của một màu nào đó mà người vẽ sử dụng để làm rõ hình tượng, ý tưởng, làm cho người xem tập trung vào nhân vật, hay hình tượng muốn nói trong tác phẩm. Màu nhấn là màu có khả năng làm tôn hình ảnh, ý tưởng tác phẩm,Vì vậy màu nhấn thay đổi theo từng tình huống. Sử dụng màu nhấn phải tùy thuộc vào màu chủ đạo,Trong trường hợp sử dụng màu nhấn nhưng chưa hiệu quả thì cần tăng giảm độ sáng, độ tươi hay tái, diện tích màu nhấn trong tranh đòi hỏi sự tinh tế về cảm giác màu sắc khi phối hợp. Một lý luận vô cùng đơn giản là trong một bức tranh mà mọi nhân vật, mọi hình tượng, chi tiết đều nổi bật thì có nghĩa là không có cái nào nổi cả. Về nguyên lý tương phản thì cái mờ làm tôn cái rõ, cái xấu làm nổi cái đẹp, cái tĩnh làm tôn cái động, màu nóng làm tôn màu lạnh, sần sùi làm tôn cái mịn màng, bóng láng… Qua đó ta có thể nói rằngmàu nhấn luôn là những màu vốn tương phản với màu chủ đạo, nghĩa là gần nóng nhấn lạnh, gần trầm nhấn tươi, gần mờ nhấn đậm …
HÒA SẮC- ĐẬM NHẠT- MÀU TRUNG TÍNH-MÀU CHỦ ĐẠO
HÒA SẮC: ( COLORS HARMONY )
Hòa sắc là một thuật ngữ mô tả một tổ hợp màu sắc được phối hợp bởi một số lượng màu sắc nào đó theo chủ ý người vẽ. Có 3 lọai hòa sắc tiêu biểu là: Hòa sắc đồng màu – Hòa sắc nóng – Hòa sắc lạnh
+ Hòa sắc đồng màu là sự phối hợp nhiều độ đậm nhạt của một màu.
+ Hòa sắc nóng: là sự phối hợp màu sắc, trong đó các màu nóng là chủ đạo. Hòa sắc nóng cho ta cảm giác trầm, ấm, nóng, vui, gần …
+ Hòa sắc lạnh là sự phối hợp màu sắc trong đó các màu lạnh là chủ đạo. Ngược với hòa sắc nóng thì hòa sắc lạnh đưa người xem đến cảm giạc mát mẻ, dịu êm, lạnh lẻo …dùng màu lạnh còn tạo cho hình sâu hút.
Để hiểu rõ hơn về hòa sắc, chúng ta trở lại phần trên nói về quang phổ của mặt trời, bản thân của quang phổ đã là một hòa sắc tốt, hoàn chỉnh, vì nó hài hòa không chói mắt, đồng thời có màu nóng, lạnh dung hòa từ tím lam đến da cam và đỏ.Nếu ta tước đi một màu giữa lam, tím, đỏ thì sẽ rất chói mắt. Bởi vậy những màu hai thành phần xanh lá cây, da cam, tím (màu bậc 2) là những màu dung hòa của ba màu căn bản (màu bậc 1) nó có tác dụng làm dịu mắt, không có những đối chọi đột ngột giữa hai màu. Nếu giữa vàng và da cam, giữa da cam và đỏ, đỏ với tím, tím với lam, lam với xanh lá cây, giữa xanh lá cây với vàng, người ta thêm một màu pha kết hợp hai màu cạnh nhau, hòa sắc sẽ càng dịu hơn. Nói chung hòa sắc có nghĩa là những màu ở gần nhau mà ăn nhịp, không chói mắt. Qua những phần trình bày ở trên, ta có thể đơn cử 5 cách biểu hiện để màu ăn nhịp với nhau:
– Những màu ở gần nhau pha thành một màu không chết. Ví dụ:
Đỏ + Cam = Cam đỏ (nếu nhiều cam) Đỏ cam (nếu nhiều đỏ )
Cam + Vàng = Cam vàng (nếu nhiều cam) Vàng cam (nếu nhiều vàng)
– Một màu mà đậm nhạt khác nhau do pha liều lượng ít, nhiều trắng khác nhau, cách này gọi là sắc đồng màu (tonsurton). Ví dụ:
Lam + Trắng = Da trời.
Tím + Trắng = Tím hoa cà.
– Những màu cùng hệ nóng hay lạnh cũng gọi là sắc đồng màu. Ví dụ:
Xanh lá + Vàng = Xanh lá mạ.
Nâu + Vàng = Nâu vàng
– Những màu đối chọi như xanh với đỏ nếu đặt gần nhau thì thấy chói mắt nhưng cùng ở trên nền dịu ( thuộc lọai màu xám hoặc để cách nhau bởi một màu trung gian ) thì mức độ rực màu sẽ mềm hơn. Ví dụ xanh lam – đỏ nằm trên nền xám xanh nhạt, xám hồng nhạt, trên nền trắng …
– Hai màu để gần nhau chói mắt nhưng có diện tích nhỏ to khác nhau, hình dạng khác nhau thì mức độ hạn chế rực màu khác nhau.
Bất kỳ một màu nào cũng có những sắc độ phối hợp để tạo nên một hòa sắc mà người vẽ muốn. Họa sĩ Picasso phát biểu về khả năng biến hóa của màu sắc một khi mà chúng ta đặt nó dúng chỗ “Quả thật, bạn sáng tác với một ít màu sắc. Nhưng khi số màu ít ỏi đó được đặt đúng chỗ thì nó sẽ cho chúng ta thấy chúng trở thành nhiều màu”. Một màu có thể đẹp trong khi ở hòa sắc này nhưng ngược lại đưa sang hòa sắc khác không hợp thì nó trở nên xấu.
Tranh Công Huy
SẮC ĐỘ: ( TONALITI )
Sắc độ là độ đậm hay nhạt của một màu, khi ta pha màu đó với đen, trắng. Nếu pha với trắng hoặc đen có thể tạo ra nhiều sắc từ đậm nhất đến sáng nhất còn gọi là chuỗi sắc độ (từ độ đậm nhất đến nhạt nhất), ví dụ đỏ pha với đen thành đỏ thẫm. Đỏ pha với trắng tùy liều lượng mà có đỏ cánh sen, đỏ hồng, đỏ phớt hồng, trắng hồng… Các màu khác cũng tương tự như thế. Tuy có sự khác nhau về độ nhưng vẫn cùng một màu. Người ta có thể pha trộn các màu sắc với nhau làm cho nó có sắc độ khác đi, tạo ra được một cảm giác mới khác nhau: sắc độ này êm dịu, sắc độ kia rực rỡ còn gọi là sắc biến ví dụ từ vàng chanh chuyển sang màu cam thì có nhiều màu khác nhau do hai màu này pha trộn với nhau tạo sự chuyển biến từ màu này qua màu kia một cách mạch lạc…trên kinh nghiệm dùng màu để tả khối, vẽ tranh thì người ta cũng dùng sắc biến. Trong bóng tối thì dùng màu lạnh, ngoài sáng dùng màu nóng.
MÀU TRUNG TÍNH: (NEUTRAL COLORS)
Là những màu không thuộc nóng, không thuộc lạnh như trắng, đen, xám, nhũ bạc… Màu xámkhông nguyên chất như các màu trung tính khác mà phải do sự pha trộn từ hai nguồn gốc. Nguồn gốc thứ nhất là pha trộn từ trắng và đen sẽ cho màu xám tro với màu xám này khi phối hợp nên cộng thêm vào đó một ít màu chủ đạo. Gốc thứ hai của màu xám được pha trộn giữa ba màu chính với nhau, có khi ửng hơi ấm, hơi lạnh. Màu xám lọai này dễ phối trí với các màu khác… Người ta có thể tìm thấy vô vàn màu xám khác nhau do nhiều màu khác nhau pha thành. Đồng thời do pha trắng vào ít hay nhiều cũng tạo sắc thái khác nhau giữa các màu xám, nếu so với các màu nguyên chất thì thế giới màu xám cũng thật vô cùng phong phú và muôn màu muôn vẻ.
Tác dụng của màu trung tính là làm dịu những màu đối lập ở gần nhau, làm tăng độ chắc chắn, đậm đà và độ tươi cho hòa sắc, bảng màu ở những tình huống khác nhau.
– Khi hòa sắc nóng, lạnh đang tương phản thì dùng đen, trắng hoặc xám xen vào hoặc pha trộn với những liều lượng khác nhau để làm giảm bớt sự tương phản.
– Khi hòa sắc đang bị nóng nhiều thì dùng xám đậm, đen, xen vào sẽ làm cho màu trầm hơn, chắc hơn.
– Khi hòa sắc nghiêng về lạnh quá nhiều có thể dùng xám nhạt, xám ửng hồng, xám ửng cam … hoặc trắng xen vào màu sẽ ấm và tươi sáng hơn.
MÀU CHỦ ĐẠO ( DOMINANT COLORS )
Trong một bản nhạc phải có âm giai chủ đạo thì trong một bức tranh đẹp tất yếu phải có màu chủ đạo. Màu chủ đạo là màu chiếm diện tích nhiều nhất trong bức tranh, giữ vai trò làm nền…, nó chi phối tất cả các màu khác. Ví dụ như khi gọi màu chủ đạo là màu nóng nghĩa là trong bức tranh dùng nhiều màu nóng khác nhau, mối tổng hòa đó tạo ra một không khí chung cho toàn bức tranh và ngược lại với màu lạnh cũng như thế. Màu chủ đạo phải là màu có khả năng gợi nên hay mô tả được tinh thần nội dung, không gian, thời gian của chủ đề, ý tưởng của tác giả và tác phẩm. Trong thực tế việc cảm thụ màu sắc còn tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố.
MÀU SẮC CỦA TRANH QUA MỘT SỐ CHẤT LIỆU
Về công nghệ hóa màu thì màu sắc là những sắc tố, chất màu vô cơ hay hữu cơ được các nhà hóa học chế tạo ra, bắt chước các màu sắc thiên nhiên và ánh sáng giúp cho lãnh vực trang trí, kiến trúc, làm đẹp cuộc sống, phục vụ nhu cầu thẩm mỹ, làm đẹp của con người. Trong hội họa màu sắc còn thể hiện tư tưởng, tình cảm sâu sắc của người họa sĩ thông qua những hình tượng nghệ thuật. Và mỗi chất liệu có khả năng gợi cảm khác nhau. ở bài viết này chỉ xin được nêu sơ lược về cách dùng một số chất liệu thông dụng.
MÀU BỘT: (FLOUR COLORS)
- Là chất liệu tiền thân của sơn dầu tuy kỹ thuật thể hiện có khác nhau. Màu bột là bột pha với hồ keo… Kỹ thuật của vẽ màu bột là phải trong. Muốn vẽ được màu trong, trước hết phải vẽ khái quát các “màu gốc” của thực tế trên toàn bộ tranh. Ví dụ quả cà màu đỏ, lá là màu xanh …Màu pha loãng, có thể chưa cần pha hồ, keo cũng được, nên vẽ màu từ nhạt đến đậm, vẽ màu kín giấy, đúng vị trí các màu. Sau đó mới tìm sáng tối với các màu mà người vẽ cảm thấy trên thực tế, vẽ phủ các màu gốc. Cuối cùng vẽ chi tiết, đồng thời kiểm tra lại sắc độ sáng và đậm. Vì sắc độ màu bột khác nhau trong lúc ước và khô nên: phải luôn giữ được độ ẩm của các màu bằng cách nếu là mùa hanh chóng khô thì phun nước cho ẩm mặt tranh. Nếu màu loãng quá thì sẽ bị chảy và khi khô mảng màu sẽ loang lổ. Vẽ màu bột nếu chồng lên nhau nhiều lượt tranh sẽ bị bẩn, đục thì phải rửa tranh. Ngâm hay rửa tranh còn có tác dụng cơ bản là làm cho màu sắc hài hòa, lúc nào màu trong một bức tranh cũng có ảnh hưởng ít nhiều qua lại lẫn nhau.
SƠN DẦU (OIL PAINTINGS )
- Là chất liệu được sử dụng rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới bởi màu sắc phong phú, sự tiện lợi khi sử dụng cùng sự biểu cảm sâu sắc của chất liệu. Sơn dầu đã tạo nên cuộc cách mạng trong hội họa với nhiều trường phái khác nhau. Thời kỳ phục hưng ta có thể kể đến những danh họa bất hủ như Raphael Leonadvanhxi, thời kỳ sau là Vangoh, Picasso… Màu trong sơn dầu được kết hợp với nhau theo nguyên tắc của sự ảnh hưởng, các màu được hòa trộn vào nhau, được chồng lên nhau để thể hiện những sắc thái mới của màu sắc, từ đó không gian được tạo dựng bởi sự đậm nhạt, sáng tối. Sự biến ảo của màu sắc trong sơn dầu là vô cùng vô tận, nó phụ thuộc vào việc sử dụng các tông màu tài tình của người nghệ sĩ trong việc thể hiện tình cảm của mình. Người vẽ cần có kiến thức về chất liệu sơn dầu thì tranh mới được bảo tồn được lâu, nếu dùng sơn pha ít dầu quá thì dễ gây nứt rạn tranh, nếu dùng dầu lanh pha với màu sáng sẽ làm màu ấy mau ngả vàng. Thời cổ điển các hoạ sĩ thường sử dụng 1/3 nhựa thông pha với 1/3 dầu lanh + với 1/3 vecni demar.(Bí quyết vẽ sơn dầu của Huỳnh Phạm Hương Trang, Nhà xuất bản Mỹ thuật.) Ngày nay công nghệ hoá phát triển, kỹ thuật tinh luyện tốt nên nên cách pha trộn cũng đơn giản hơn, tuy vậy Kỹ thuật pha chế hay cách thể hiện cũng tùy thuộc vào thói quen, kỷ năng … mỗi người vẽ đều có những thủ pháp riêng nhưng thông thường lên một lớp mỏng, loãng trước để nắm tương quan chung sau đó có thể sử lý theo hai hướng là vẽ ướt và vẽ khô. Nếu là vẽ ướt thì vẽ liên tục theo mạch cảm xúc hoặc nặng màu lên toan, dùng cọ hoặc bay kết nối quan hệ của chúng tạo những chuyển động sinh khí cho màu, bắt chúng phải phục vụ đúng ý đồ tác phẩm. Nếu là vẽ khô thì để màu se lại sau đó lên màu từng phần cho đến khi ý đồ được thực hiện. Nếu cần bảo quản tranh lâu dài có thể dùng vecni max hoặc vẹc-ni bóng.
Tranh họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan
MÀU NƯỚC ( WATER COLORS )
- Khi vẽ màu nước đòi hỏi thuốc màu phải sạch, nước phải trong. Có thể vẽ màu nước theo cách tạo lớp màu lót và phết bằng cọ có kích cở thích hợp, pha thêm nước cho vùng nhạt hơn, vẽ nhanh các lớp tiếp theo. Nếu muốn bỏ phần màu khô thì quết nước sạch vào đó và lấy đi màu dư. Một cách vẽ khác là làm ẩm giấy, dùng màu loãng hoặc nhỏ màu lên giấy màu sẽ loang ra tạo thành mép lởm chởm, cách này sử dụng vẽ hoa, cỏ, tĩnh vật, phong cảnh …vẽ thêm lớp màu khô hơn vào lớp màu lót sẽ tạo sự hòa trộn màu sắc tinh tế.
Tranh Thanh Hòa
SƠN MÀI: (LACQUER COLORS)
- Là thể lọai tranh dùng ít màu. Toàn bộ tranh thường toát lên một màu chủ đạo: nâu đỏ của cánh dán, đen của sơn then, trắng của vỏ trứng điểm thêm ánh sáng của vàng bạc.Sơn mài vốn có đặc thù của qui luật đồng sắc, thường dùng một màu chính làm chủ đạo và thường là hòa sắc nóng nâu, đỏ, vàng rất thuận tiện trong biểu hiện những sắc thái tình cảm sâu sắc của người nghệ sĩ. Ngày nay ở nước ta còn du nhập vào thể lọai sơn của Nhật thường gọi là sơn Nhật có màu tươi hơn, nhưng độ bền màu cũng như độ bóng kém hơn so với sơn ta. Cách sử dụng đơn giản không phức tạp như sơn ta tuy nhiên màu sắc cũng không đạt được như sơn ta nên vẫn không được ưa chuộng. Sơn mài đã trở thành nét đặc trưng của nền hội họa Việt Nam bởi vẻ đẹp dung dị của màu sắc.
- Vì thời gian và khả năng hạn hẹp nên tác giả bài viết này chỉ xin trình bày sơ lược một vài chất liệu thường sử dụng để vẽ tranh, trong thực tế các họa sĩ trên thế giới cũng như họa sĩ nước ta đã sử dụng chất liệu vô cùng đa dạng và phong phú cũng có khi dùng chất liệu đơn lẻ hoặc phối kết hợp giữa các chất liệu với nhau trong cùng một tác phẩm ( chất liệu tổng hợp) là tùy vào thói quen, phong cách hay chủ đề sáng tác. Chất liệu chỉ là phương tiện để tác giả truyền đạt cảm xúc, ý tưởng qua tác phẩm.
CÁCH DÙNG MÀU TRONG TRANH
PHÂN LOẠI MÀU
Khi sử dụng màu trong tác phẩm ta nên định hình, phân loại màu trước, có thể chia màu ra làm ba loại chính.
– Loại màu chiếm diện tích nhiều nhất trong tranh còn gọi là màu nền hay màu chủ đạo. Đối với người vẽ việc chọn màu chủ đạo cho tranh nên dựa vào các đặc điểm như: Nội dung, chủ đề tác phẩm. Không gian, thời gian… mà tác phẩm đề cập. Dựa vào màu sắc, môi trường mà tác phẩm phải phối hợp. Dựa vào tâm lý, lứa tuổi, giới tính, trình độ của người sử dụng, thưởng thức. Dựa vào môi trường, thời tiết, khí hậu. Dựa vào mục đích gây ấn tượng mà tác giả muốn dẫn dắt cảm xúc của người xem.
– Tìm màu nhấn trong tranh để nhấn mạnh vào các hình chính. Sử dụng màu nhấn hay còn gọi là màu bổ túc, màu tương phản với màu chủ đạo. thường thì lọai màu này chỉ dùng rất ít so với diên tích trong tranh tuy nhiên khi vẽ màu cần chú ý đặc điểm, tính chất, yêu cầu của từng thể loại tranh để quyết định dùng mảng màu, diện tích màu nhấn nhiều hay ít, lớn hay nhỏ
– Tìm màu trung gian, trung tính: có vai trò kết nối màu nền và màu nhấn, tạo sự liên kết chặt chẽ của hai màu đứng kề nhau, làm cho nó có sự liên lạc một cách dịu dàng, đem lại hài hoà chung cho toàn bộ bức tranh
CẢM GIÁC VỀ MÀU
Khi xem tranh thường cho ta những cảm nhận thị giác vô cùng phong phú và kỳ diệu,.đó còn là những cảm nhận dưới dạng ảo giác như:
– Mùi vị của màu sắc: như gam màu ngọt ngào, màu chua, màu khét, màu khê
– Trọng lượng của màu sắc: những mảng màu nhạt, sáng, mỏng, nhỏ cho ta cảm giác về sự nhẹ nhàng và ngược lại ( HÌNH 4 )
– Ảo giác về không gian của màu sắc: làm cho hình kéo gần lại hay đẩy lùi xa do sử dụng màu gần đậm xa nhạt, gần tươi, xa tái, gần nóng, xa lạnh, gần rõ xa mờ…
– Nhiệt độ của màu sắc mang lại cho người xem cảm giác nóng bức, ấm áp là do sự kết hợp các màu đỏ, cam … là những màu của lửa. Còn màu sắc lạnh là những màu gần với thiên nhiên, cây cỏ … vì vậy đã tạo cảm giác mát, lạnh.
– Màu sắc có khả năng làm rõ hình, gom hình, tăng giá trị bức tranh khi dùng đậm nhạt, màu nhấn đúng chỗ họăc phá hình, làm vở mảng, khối hay còn gọi là “có màu mà không có mảng” là do khi vẽ màu không quán xuyến được tổng thể, thiếu quy kết mảng nhỏ thành mảng lớn. Làm cho bức tranh không rõ chính, phụ. Khi bài vẽ rơi vào trường hợp này thì việc cấn thiết đầu tiên là phải xác định lại màu chủ đạo, sử dụng màu nhấn cho hình mảng chính. Cảm giác về màu giúp cho người vẽ tự điều chỉnh để tác phẩm đạt hiệu quả hơn.
MÀU TRONG TỐI VÀ NGOÀI SÁNG
Màu sắc trong tối thường sẫm,nhưng không phải là đen nguyên chất, ngay cả đen của tóc, của vải đen. Khi tiếp thu ánh sáng và đặt nó cạnh một màu nào đó, chúng cũng đã chuyển màu theo hướng của màu bên cạnh một chút. Vì vậy cần nhận xét màu trong tối thuộc màu gì, phải so sánh với những màu cạnh nó. Màu ngoài sáng cũng vậy, các mẫu vẽ do ánh sáng chiếu mạnh vào nên ở phía sáng cũng có màu sáng vàng, sáng xanh…nếu vật có độ láng bóng như sành, sứ, thủy tinh…chúng sẽ có thêm điểm sáng chói. Vì vậy màu sắc và độ sáng của mẫu còn tùy thuộc vào màu của bản thân vật đó cùng với màu sắc của xung quanh, tùy thuộc vào vật ở ngoài sáng hay trong tối… Ví dụ bản thân màu đỏ vốn nóng khi để vào chỗ có bóng tối sẽ biến thành lạnh vì trong tối đỏ sẽ biến thành tím thẩm, nhưng không phải bao giờ ánh sáng cũng đem theo nóng và bóng tối cũng biến thành lạnh vì phản quang và khúc xạ của ánh sáng luôn phức tạp cộng với thời tiết thay đổi thường tạo ra hiện tượng trái ngược về nóng, lạnh … chỉ có quan sát thực tế mới kết luận đúng. Tóm lại phải nhìn nhận màu sắc trong tương quan chung của nó, không nên tách rời một màu nào đó để nói là đúng hay đẹp. Và khi muốn diễn tả màu sắc ngoài sáng thì không chỉ dùng trắng và màu sắc trong tối không chỉ là đen nguyên chất, cũng không hẳn hoàn toàn là màu ấm hay lạnh mà phai quan sát thực tế và vận dụng nguyên tắc ảnh hưởng màu của các màu gần kề.
sưu tầm.