Nhịp điệu trong hội họa

Từ khi hội hoạ ra đời, con người đã biết vận dụng khái niệm nhịp điệu để có được sự hài hoà giữa các yếu tố trong tranh. Nhịp điệu là biểu hiện của sự chuyển động, sự sống của một vật thể. Nó thể hiện cái cốt lõi (hay cấu trúc) của một vật thể trong sự chuyển động theo một hướng nhất định.
Chẳng hạn như: những cây cói mọc ở bờ sông Nil (Ai Cập), thân thẳng đứng, mọc song song, sát nhau, mặc dầu đứng im nhưng cũng tạo nên một nhịp điệu thẳng đứng, cũng như cây tre trước gió, lá tre bị thổi bạt theo một hướng, cũng tạo nên nhịp điệu. Mỗi loài hoa, mỗi loài cây cỏ, sự vật đều có một cấu trúc đặc thù, do đó mỗi loài đều có một hình dạng và một nhịp điệu riêng biệt.
Trong hội hoạ cũng vậy, nếu như tỉ lệ là một yếu tố của cái đẹp tĩnh, thì nhịp điệu là yếu tố của cái đẹp động, nó nói lên sự chuyển động, sự sinh động, hay sự sống. Phải đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khái niệm nhịp điệu mới thực sự có điều kiện để nảy nở và để được áp dụng một cách rộng rãi trong hội hoạ, điêu khắc cũng như trong kiến trúc. Một mặt với sự ra đời của nền hội hoạ hiện đại, mặt khác, trong lĩnh vực kiến trúc, với sự ra đời của các vật liệu mới và các kỹ thuật mới.

Nhịp điệu có thể liên tưởng là những bước chân khi di chuyển, như cách giao hoà của những âm thanh lại cùng nhau để tạo thành một bản nhạc, như tiếng mưa rơi nhỏ giọt. Nhịp điệu có thể được thấy và cảm nhận trong mọi sự vật của tự nhiên, qua cuộc sống. Nhịp điệu trong hội hoạ đó là sự lặp lại, sự luân phiên và tiến triển. Sự lặp lại là cách nhắc đi nhắc lại một yếu tố tạo hình. Nó thường tạo ra một dòng chảy êm đềm liên tục của tầm nhìn trong tranh, như là một đường dẫn mà từ đó ta có thể đọc được mạch cảm xúc cũng như ý đồ của người hoạ sĩ. Sự luân phiên là nhịp điệu thay đổi về hình dáng của cùng một yếu tố từ lớn sang nhỏ hoặc ngược lại hay nhịp điệu tiến triển là cách hướng mắt nhìn liên tục từ điểm này sang điểm khác bằng cách tạo ra sự chuyển đổi ổn định tăng dần hay giảm dần. Người hoạ sĩ cũng có thể sử dụng tất cả các hình thức của nhịp điệu trong một bố cục để sáng tạo ra một không gian, một tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

93794aec 3f17 47a4 8801 a2716a9c4598 560 420

 The Starry Night - Vincent van gogh


JULIA WATKINS - Moon Dancer


Nhịp điệu cũng có thể tạo ra bởi sự thay đổi về tỉ lệ giữa các mảng, về hướng, về nét vẽ cứng, mềm, về tính chất tĩnh, động... Sự phân bố về đậm nhạt, về tổ chức sắp xếp đường nét, điểm trong các mảng một cách hợp lý sẽ tạo nên cấu trúc mảng vững chắc và có những nhịp điệu trong mặt phẳng tranh. Tiếp đó là sự liên kết giữa các khối và khoảng trống, sự kết hợp giữa các hình với nền. Cho nên việc sắp xếp, tổ chức các mảng nhỏ trong mảng chính cùng với bố trí đậm nhạt trong mảng chính và các mảng phụ với khoảng trống sẽ tạo nên tính nhịp điệu cho bức tranh.

Màu sắc là một thành phần cốt yếu của hội họa góp phần tạo nên nhịp điệu, nó không chỉ là một phương tiện làm tôn giá trị cho hình nét mà là yếu tố chủ đạo tạo ra không gian, mảng khối, chuyển động để biểu thị các trạng thái tâm hồn. Màu sắc trong tự nhiên được tạo ra từ các màu cơ bản, từ đó có thể tạo ra hàng triệu màu sắc khác nhau. Khi các màu đặt cạnh nhau theo chiều chú ý nhất định sẽ tạo ra một nhịp điệu thị giác.

Trong một bức tranh, màu sắc là do sự pha trộn của nhiều màu, chúng vô cùng phong phú và sinh động. Tùy theo hòa sắc của hệ thống màu đặt cạnh nhau sẽ cho người xem một hiệu quả rõ ràng về nhịp điệu của tranh. Những gam màu cùng tông tạo ra nhịp điệu yên ả, mềm mại và một cảm giác về nhịp điệu nhanh, mạnh nếu là những cặp màu bổ túc, tương phản đặt cạnh nhau.

Nhịp điệu trong tranh của Leonid Afremov

Leonid Afremov là họa sĩ đương đại nổi tiếng với cách vẽ sơn dầu rất khác biệt chỉ sử dụng dao, bảng màu cùng dầu thông làm chất liệu nhưng ông đã thành công và khẳng định một phong cách không hề nhầm lẫn với bất cứ ai bằng việc chú trọng phối hợp những mảng màu mạnh rực rỡ trong tác phẩm và đạt được những hiệu ứng hình ảnh một cách ngoạn mục. Ông vẽ nhiều chủ đề đa dạng, từ trẻ thơ, gia đình tới âm nhạc, khiêu vũ, thiên nhiên…

Qua tranh của Afremov, người xem cảm nhận được tình yêu mãnh liệt của ông với cuộc đời. Mỗi tác phẩm nghệ thuật là kết quả của một quá trình sáng tạo lâu dài với những sắc thái, màu sắc và cung bậc cảm xúc khác nhau.

Các đường nét và màu sắc trong tranh của ông được nhắc lại nhiều lần nhưng không cho ta cảm giác nhàm chán mà trái lại còn cho ta cảm giác thích thú, vui mắt. Chính nhịp điệu được tạo ra qua việc sắp xếp và sự lặp lại của các mảng màu rực rỡ đã đem đến sự hài hòa cho giác quan của người xem. Nhịp điệu trong tranh vẽ của Afremov là những đường nét phong phú, màu sắc sinh động có giá trị cao về mặt thẩm mĩ cũng như về kĩ thuật thể hiện. 

tải xuống

LEONID AFREMOV - Mystery Of The Night 3

birds r2 c6

JULIA WATKINS - Birds

LEONID AFREMOV - Ballet


Trong khi sáng tạo nghệ thuật, ông đã tìm thấy cái đẹp kì diệu của những thứ hiện hữu quanh mình. Ông vẽ cùng với tự nhiên chứ không phải vẽ theo tự nhiên. Ông quan sát tự nhiên một cách tinh tế và tái hiện bằng những tương quan màu sắc, ánh sáng theo quan điểm của riêng mình. Có thể nói các quan hệ của chính các yếu tố tạo hình đã tạo ra nhịp điệu trong tranh. Leonid Afremov không ngại khi sử dụng hàng loạt các màu sắc tương phản. Sự tương phản về đậm nhạt, sáng tối, nóng lạnh, bổ túc được pha trộn một cách khéo léo và tinh tế. Sự lặp lại của màu sắc tạo nên nhịp điệu luyến láy gợi cho ta cảm giác không chỉ xem tranh, ngắm tranh mà còn có thể lắng nghe nhịp điệu tâm hồn của người họa sĩ.

Nhịp điệu trong tranh của Julia Watkins

Tranh của nữ hoạ sĩ Julia Watkins luôn cho thấy tính nhịp điệu cao thông qua sự hài hòa và sự vận động liên tục không ngừng của đường nét và màu sắc. Sự bố trí, sắp xếp, kết nối giữa hình với nền, tạo nên một không gian ẩn hiện luôn biến đổi rất đa dạng. Khi xem tranh của nữ hoạ sĩ, người xem có cảm giác như bức tranh đang chuyển động rõ rệt bởi sự vận động không ngừng của các màu được lặp đi, lặp lại. Nếu như với tranh của Leonid nhịp điệu được tạo ra bởi những gam màu đối lập, chắc chắn và dứt khoát thì nhịp điệu trong tranh của Julia Watkins, các màu có sự chuyển tiếp mềm mại và vô cùng nữ tính. Sự nhắc lại màu đó là một hệ thống chạy khắp bức tranh để tạo nên tính nhịp điệu của màu.

Hầu hết các tác phẩm của bà đều như toát lên một thứ năng lượng nào đó mãnh liệt. Các màu sắc chuyển động và cân bằng theo những vòng xoáy khiến cảnh vật, con người như hoà quyện cùng không gian xung quanh.

Nữ hoạ sĩ đã đem nhịp điệu vào trong tranh vẽ cũng chính như nhịp đập của con tim mình. Đó là những cái riêng không thể trộn lẫn, là tình yêu của người nghệ sĩ dành cho tác phẩm cũng như trong cuộc sống.

Nhịp điệu trong tranh là sự phản ánh trung thực nhất nhịp điệu của cuộc sống, là sự thể hiện nguyên lý về mặt thẩm mĩ; dù tĩnh hay động, dù ẩn hay hiện thì nó vẫn biểu lộ một cách tinh tế trên các yếu tố về tạo hình trong một tương quan chung. Vì thế mỗi người chúng ta khi thưởng thức nghệ thuật (với tất cả kinh nghiệm của cuộc sống) thông qua góc nhìn nhịp điệu sẽ thấy được cái thi vị và cái nhìn sâu sắc hơn vào bên trong mỗi tác phẩm hội hoạ cũng như cảm xúc của người hoạ sĩ tạo nên tác phẩm đó.

Nguyễn Thu Huyền

Theo http://www.vietnamfineart.com.vn

January 2025
Mo Tu We Th Fr Sa Su
30 31 1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31 1 2

Sự kiện nổi bật

Hè vui sáng tạo

Lớp vẽ mỹ thuật thiếu nhi D.A.N Studio là nơi nuôi dưỡng và phát huy trí tưởng tượng phong phú của con trẻ, với phương châm tôn trọng cá tính...

Video Clip

 

 
 
 
 

D.A.N Studio

Tầng trệt tháp V3, tòa nhà Sunrise City, 23 Nguyễn Hữu Thọ, P. Tân Hưng, Q.7, Tp. HCM
028 7305 61 07    
admin@danstudio.vn    
danstudio.vn