Đưa trẻ em đến bảo tàng - đấy không chỉ là cơ hội để ngắm nhìn, quan sát mà còn là cơ hội để cảm nhận và học.
Nghệ thuật ngày càng trở nên gần gũi với trẻ em phương Tây, một phần vì các bảo tàng ở đây đã gia tăng các hình thức để thu hút sự quan tâm của trẻ (cũng như các hoạt động mang tính gia đình) và giáo dục thúc đẩy, hỗ trợ tối đa cho việc cảm thụ nghệ thuật thông qua các hoạt động bảo tàng, phần vì các bậc cha mẹ luôn hiểu được vai trò quan trọng của nghệ thuật trong đời sống tâm hồn của họ cũng như của trẻ.
Nghệ thuật cũng là các môn được dạy trong nhà trường, từ khi chúng còn nhỏ, không phải để lấy điểm số, mà là để vun đắp khả năng cảm thụ.
Cố nghệ sĩ và nhà thiết kế nổi tiếng người Ý Bruno Munari từng nói, dạy nghệ thuật cho trẻ nhỏ có vai trò then chốt trong việc phát triển trí sáng tạo của chúng cũng như tăng cường khả năng quan sát và cảm nhận về thế giới xung quanh.
Một tờ báo Ý đã đưa ra 5 lí do để đưa con cái chúng ta đến bảo tàng:
1) Bảo tàng cũng có ích như sân chơi: Việc giúp bọn trẻ phát huy hết khả năng sáng tạo của mình cũng quan trọng không kém việc thúc đẩy chúng thực hiện các hoạt động thể chất. Có thể sử dụng rất nhiều cách để giúp trẻ phát huy sáng tạo, nhưng điều quan trọng nhất là chúng phải được trao một vai trò tích cực và chủ động. Từ nghệ thuật, điêu khắc cho đến nhiếp ảnh... nguyên lí này luôn có giá trị. Hãy để cho chúng tự do khám phá và thử nghiệm.
2) Nghệ thuật làm tăng trong trẻ sự tự tin: Nghệ thuật là một công cụ để giúp trẻ có được sự tự tin vào chính mình. Việc đọc được một tác phẩm kinh điển, xem một bức tranh hoặc một bức tượng nổi tiếng giúp cho trẻ tự xây dựng cách thể hiện quan điểm cá nhân về thế giới xung quanh chúng.
3) Đi xem một triển lãm thật là thú vị: Bố mẹ hãy giúp con cái trong việc giải thích ý nghĩa của bức tranh, bức tượng theo cách dễ hiểu nhất có thể. Cần làm cho việc tham quan một bảo tàng, một triển lãm khi ta có trẻ con đi cùng trở nên có ích, bằng việc giúp chúng tham gia vào việc cảm thụ nghệ thuật cùng với mình. Đấy cũng là cách để gia tăng sự gắn kết của hoạt động chung trong gia đình.
4) Giúp chúng cảm nhận được cái đẹp: Các tác phẩm nghệ thuật là một công cụ tối ưu nhằm dạy cho trẻ biết thưởng thức cái đẹp và cái thiện, thông qua việc đánh giá màu sắc, hình khối. Chúng có thể thể hiện cảm xúc và cả đam mê trước những gì được thấy trước mắt.
5) Thế giới không chỉ tồn tại dưới dạng số hóa: Trái ngược hẳn với các sản phẩm số hóa, từ games cho đến video, các bảo tàng cung cấp một không gian lớn để suy ngẫm và tư duy. Để mình bị lạc trong một triển lãm là một hình thức đầu tư tốt cho cả gia đình. Hãy tắt tablet và smartphone và để cho đầu óc mình tư duy.
Theo quan điểm cá nhân của tôi, nhiều bạn cho rằng bảo tàng buồn tẻ, không đáng để đi (dù rằng không phải tất cả các bảo tàng ở Việt Nam đều không có gì để xem), như là một trong những cách để bao biện về việc họ không cho trẻ con đến bảo tàng. Họ không làm việc đó, vì bản thân họ không có thói quen, không cho là cần thiết.
Với suy nghĩ ấy và khi vứt cho con cái họ chiếc smartphone với màn hình bé tẹo để rảnh tay làm việc của mình, người ta đã vô tình tước đi của con trẻ một cơ hội được tiếp cận nghệ thuật và tri thức ở không gian lớn bên ngoài xã hội. Đừng nghĩ rằng, nhà trường (trường học không đẻ ra con bạn) hay xã hội (xã hội cũng không đẻ ra con bạn) sẽ giúp con bạn hộ bạn trong việc giúp chúng hình thành nhân cách và cung cấp các tri thức để chúng thành tài (chứ không phải thành người).
Hãy song hành với chúng trong việc khám phá và phát huy khả năng sáng tạo cũng như làm giàu tâm hồn của mình bằng nghệ thuật, thông qua nhiều hình thức khác nhau, mà 5 lí do trên cũng chỉ là một cách.
Thay vì đưa cho trẻ cái smartphone, hãy cho chúng bút và giấy để vẽ, sách để đọc (hoặc ta cùng đọc với chúng)...
Đây là bài viết mang quan điểm và góc nhìn cá nhân của nhà báo Trương Anh Ngọc (hiện đang công tác tại Italy) được đăng trên báo Phụ nữ online.