Sự sáng tạo của trẻ em phụ thuộc nhiều và xúc cảm, vào tình huống và thường kém bền vững hơn so với tính sáng tạo của người lớn.
Trẻ em rất thích khám phá và sáng tạo mọi thứ có thể, cho dù có thành công hay không. Đối với trẻ mầm non, việc vẽ tranh, tô màu hay những bức tượng đầy màu sắc là cách các bé thỏa sức phát huy tính sáng tạo của mình.
Đôi khi những sản phẩm sau mỗi bức vẽ đó khiến người lớn không hiểu gì nhưng hãy đừng chê bai hay dè bỉu mà vô tình làm mất đi cảm hứng sáng tạo ở chúng
Sự sáng tạo của trẻ em phụ thuộc nhiều và xúc cảm, vào tình huống và thường kém bền vững hơn so với tính sáng tạo của người lớn.
Trí sáng tạo của trẻ em có gì khác biệt?
Trí sáng tạo có ảnh hưởng rất lớn đến tư duy và sự trưởng thành của trẻ. Để giúp trẻ khả năng sáng tạo một cách tối ưu, ngoài chế độ dinh dưỡng, cha mẹ nên biết cách nuôi dưỡng và khích lệ tính sáng tạo của chúng một cách hiệu quả nhất.
Nói về trí sáng tạo của trẻ em, trong chương trình nghiên cứu về phương pháp phát triển trí tuệ cho trẻ em của PGS.TS Nguyễn Công Khanh, trường Đại học Sư phạm Hà Nội từng viết: Các nhà nghiên cứu tâm lí trẻ em cho rằng mọi trẻ em đều tiềm ẩn năng lực sáng tạo, vấn đề là người lớn có biết các phương pháp khuyến khích trẻ, có dành đủ thời gian tương tác tích cực với trẻ, có giao cho trẻ những nhiệm vụ (trò chơi/ tình huống) đòi hỏi trẻ phải có hành vi sáng tạo hay không?
Sự sáng tạo của trẻ em không giống như sự sáng tạo của người lớn. Sáng tạo của người lớn là tạo ra cái mới, cái độc đáo, gắn với tính chủ đích, có tính bền vững và thường là kết quả của quá trình nỗ lực tìm tòi... Sự sáng tạo của trẻ em lại khác, thường bắt đầu từ sự tái tạo, bắt chước, mô phỏng... và thường không có tính chủ đích. Sự sáng tạo của trẻ em phụ thuộc nhiều và xúc cảm, vào tình hướng và thường kém bền vững.
Yếu tố ngăn cản phát triển trí sáng tạo của trẻ em
Môi trường giáo dục, văn hóa ứng xử trong gia đình cũng như ở trường học của chúng ta hiện nay dường như đang ngăn cản đáng kể, không có chỗ để những hành vi sáng tạo của trẻ được nảy mầm.
Các nghiên cứu trên trẻ em Việt Nam cho thấy:
- Người lớn thường thích trẻ vâng lời hơn là thích trẻ sáng tạo.
- Người lớn thích trẻ làm theo sự chỉ dẫn của mình hơn là thích trẻ có ý tưởng riêng.
- Người lớn thích áp đặt ý tưởng, mong muốn, cách làm của mình hơn là để trẻ được tự do thể hiện ý tưởng, được làm theo cái trẻ thích...
- Người lớn thường đánh giá thấp khả năng của trẻ, không tin rằng trẻ có thể làm được...
Sẽ là sai lầm đáng tiếc nếu ai đó nghĩ rằng người lớn khôn hơn, kinh nghiệm hơn còn thấy sáng tạo là khó, huống hồ trẻ 3 - 5 tuổi, chơi chưa xong, sao được gọi là sáng tạo, chẳng qua chỉ là bắt chước. Sự thật, hành vi sáng tạo dễ xuất hiện ở trẻ và đơn giản hơn người lớn nghĩ rất nhiều.
Trẻ 2 - 3 tuổi nghe người lớn nói một điều gì đó, sau đó nó ứng dụng phù hợp với một ngữ cảnh, biết "cải biến" hoặc "cắt may" cho phù hợp với tình huống để đạt mục đích đã được các nhà nghiên cứu tâm lí trẻ em coi là hành vi sáng tạo. Sự sáng tạo của trẻ trải dài trên một phổ hành vi từ đơn giản đến phức tạp.
Nhiều người lớn quá hào phóng với hình phạt, chê bai trẻ và tiết kiệm quá đáng những lời khen, sự khuyến khích. Điều này làm mất đi chất xúc tác kì diệu nuôi dưỡng hành vi sáng tạo ở trẻ.
Người lớn không yêu cầu cao, không giao cho trẻ những nhiệm vụ đòi hỏi sự mạo hiểm, sáng tạo... là sai lầm đáng trách nhất của người lớn. Điều này dẫn đến hệ quả là làm trẻ có nguy cơ thiếu hụt sự trải nghiệm cần thiết, ngăn trở trẻ nỗ lực tìm kiếm các giải pháp sáng tạo.
Nhiều khi người lớn vì sợ trẻ gặp nguy hiểm mà vô tình ngăn cản những hành vi mạo hiểm cần thiết... để rèn luyện bản lĩnh sáng tạo cho trẻ làm chúng mất cơ hội trải nghiệm, trở lên thụ động và kém tự tin.
Phải chăng chính người lớn với những cách suy nghĩ, ứng xử không hợp lí, có gốc rễ từ yếu tố tâm lí, văn hóa, lịch sử xã hội... là nguyên nhân chính đang năng cản sự phát triển tính sáng tạo của trẻ? Đây là những câu hỏi hóc búa cần sự giải mã của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia tâm lí trẻ em.
Lâm Anh - baomoi.com