Chấm điểm trong hội họa: từ hoang dại đến vô cùng

"Lượng tử” hóa hội họa chỉ là một khái niệm “bàn trà” về những bức tranh được đặt dưới góc nhìn của vật lý. Và quả thực khi theo dõi lịch sử hội họa và lịch sử vật lý thì chúng ta lại thấy hai con đường có những điểm giao nhau. Mỗi một giao điểm là một dấu chấm quan trọng của lịch sử nghệ thuật và hơn nữa là một biến chuyển sâu sắc trong nhận thức của chúng ta khi nhìn vào nghệ thuật. tiesuc

Mỗi sáng thức dậy, ta mở mắt và thấy cuộc sống xung quanh dễ dàng như hơi thở. Nhìn ngắm thế giới ở “sẵn đó” đơn giản đến nỗi chúng ta mặc định, đó là một sự thật khách quan. Không phải thế. Con đường ánh sáng phản chiếu từ sự vật đến mắt rồi được phân tích trong các khu vực nhận diện hình ảnh trên bề mặt não cũng giống như quá trình các họa sĩ phác thảo một bức tranh từ sơ sài đến hoàn thiện. Chỉ có điều, tốc độ vẽ của não, cách chọn tiêu điểm, bố cục chỉ trong một phần nghìn giây. Nhưng đi sâu hơn nữa, “cơ chế nhìn” của chúng ta lại bị chi phối bởi nhiều yếu tố mang đậm tính chủ quan, đến mức, chúng ta chỉ nhìn thấy những thứ mình muốn và phần còn lại được vẽ thêm bởi “thói quen” bồi đắp từ trong tâm thức.

Tuy nhiên, trước khi con người sử dụng trí tưởng tượng nhiều hơn vào khoảng trống, có những thứ đã lấp đầy nó và tràn ngập trên mặt phẳng 2-D: Vật tổ và Tôn giáo. Hãy quay ngược thời gian về 40.000 năm trước, nơi những thổ dân Úc vẽ bằng ngón tay trong niềm tin thành kính dành cho tổ tiên, cho các sinh vật cụ thể nhưng đậm tính siêu nhiên của sự sống.

Những dấu chấm thời kỳ hoang dại

Những thổ dân Úc luôn say mê những vật tổ sáng thế ra con người trên các bức vẽ trong các hang đá . Đây là thời kỳ con người tin rằng vạn vật khai sinh từ những Vật tổ ngủ sâu dưới lớp vỏ trái đất và thức dậy lang thang khắp thế gian. Dreamtime – Thời kỳ mơ mộng của hội họa nguyên sơ bắt đầu bằng những họa sĩ thổ dân dùng chính bàn tay, cành cây khô, chấm quệt các đường nét cơ bản của tắc kè, kanggaroo, rắn… lên gỗ đá hay trên chính cơ thể mình, đưa họ trở về niềm tin cội nguồn của mình. Thời kỳ này, vị trí của “người quan sát” không nằm ngoài thế giới mà tham gia vào quá trình vận động của tự nhiên thành một thực thể thống nhất. Ta dễ dàng thấy những motif cơ bản phản ánh thế giới quan của thổ dân Úc là những vòng tròn, bán nguyệt, xoắn ốc, chấm và đường nét để tạo ra những vật tổ rất đơn giản về hình học.

Walangkura Napanangka_Women's Dreaming

Tiếp nối tinh thần Dreamtime, những nghệ sĩ Úc đương đại vẫn tạo ra tác phẩm nghệ thuật mang đậm bản sắc bằng những chấm điểm đầy màu sắc như Clifford Possum Tjapaltjarri với những bức họa chấm màu và vòng tròn acrylic, rồi kế cận là Keith Kappa Tjangala vẫn theo đuổi các đề tài vật tổ một cách nguyên bản. …

Con người bước ra ngoài mộng mơ

Ngay sau khi con người đã bước qua thời kỳ Mơ mộng đậm tính bản địa (từ châu Á, châu Âu đến châu Úc đều có một tinh thần riêng biệt), việc đầu tiên con người làm là quan sát  bản thân họ. Cũng từ đây đã có những tác phẩm mô phỏng lại chính tỷ lệ thực con người trên những nắp quan tài của người Hi Lạp – La Mã cổ đại, hay những bức bích họa chân dung tại Pompeii (TK 1) đã chân thực như cuộc sống. Đạo Cơ Đốc trở thành chủ đề quan trọng cho nghệ thuật Byzantine bừng rộ (sẽ trình bày cụ thể hơn ở dưới đây.) Tại Tây Âu, màu keo giúp cho những bức tranh vẽ cuộc sống tầng lớp quý tộc phong phú như bức Tres Riches Heures (TK 15). Phải nói thêm, sự ra đời của màu keo đã đẩy kỹ thuật hội họa sang một bước ngoặt mới điều mà chúng ta đang chứng kiến sự tinh xảo trong quá trình khám phá chính bản thân, sùng kính bản ngã bùng nổ vào thời kỳ Phục Hưng (TK 15). Đặc biệt là khi kiến trúc sư Filippo Brunelleschi phát triển Luật phối cảnh, khiến những bức tranh ngày càng có thêm một ảo giác về chiều sâu không gian. Nhưng trước hết ta hãy quay về nghệ thuật Byzantine mang đậm tính chất điểm ảnh của thế giới digital ngày nay.

Những pixel của người cổ đại

Chúng ta đã quá quen với khái niệm pixel – ảnh điểm trong photoshop, nhưng ngay từ thời cổ đại đã có các chất liệu cơ bản được sử dụng tương đương như pixel. Đó là loại hình tranh khảm (mosaic) lấy chủ đề là tôn giáo của đạo Cơ Đốc. Mỗi một mảnh, sỏi, đá và sau này là thủy tinh được lựa chọn để tạo hình có giá trị tương đương như các pixel của một tấm ảnh số. Nhưng đặc thù của chất liệu đã các nghệ sĩ thời kỳ này được tận dụng khéo léo không chỉ hoàn thành trong tạo hình mà còn điểm xuyết trong đó những miếng khảm đặt nghiêng (vàng, bạc) để tạo được hiệu ứng ánh sáng phản quang ở các khu vực quan trọng nhe sự hiển linh của thánh thần trên các bức tường tôn giáo.

Chi tiết một bức tranh khảm chúa thiên Chúa tại nhà thờ Hagia Sophia ( khảm Deesis, Thổ Nhĩ Kỳ, Tk 13)

Phong cách tranh khảm vẫn thịnh hành cho đến ngày nay và tràn ngập trong những công trình của Antoni Gaudi (Barcelona -1914), trên tranh tường nhà hát Teatro de los Insurgentes của Diego Rivera (Mexico – 1957), hay tác phẩm của Emma Biggs vào năm 2008.

Chi tiết bức tranh khảm Teatro de los Insurgentes của Rivera.

Nếu như trong thời kì tôn giáo ngự trị những năm đầu công nguyên nơi hình ảnh các vị thánh xuất hiện trên tranh khảm như một con người siêu nhiên thì bước sang thế kỉ 19, vẫn chất liệu đó, chủ đề về con người như một tập hợp các cá thể yếu ớt lại là đề tài trọng tâm.

Chính cuộc cách mạng Copernicus (TK 14) đã làm thay đổi nhân sinh quan của nghệ sĩ khi trái đất được đưa về đúng vị trị “một hành tinh nhỏ bé” quay quanh xung quanh mặt trời như bao hành tinh khác.

Nhà Thiên văn học Nicolaus Copernicus

Rồi, khi kính viễn vọng ra đời, mặt trời vĩ đại cũng chỉ như hằng sa số những hành tinh khác đang tồn tại trong vũ trụ. Đây chính là sự chuyển biến quan trọng trong tư tưởng con người cổ đại khi bị chính khoa học hạ thấp vị trí của mình trên tấm bản đồ vũ trụ. Sự sụp đổ này đã tạo ra một kẽ nứt tâm lý cho những nghệ sĩ tìm được vị trí quan sát của mình trên một bệ đỡ vững chắc, điềm tĩnh hơn. Cũng từ đây, họ đã tự tin quan sát chính mình, tìm ra được một cái nhìn tổng quát hơn về cuộc sống và những con người bình thường bắt đầu được đặt vào vị trí trung tâm trong những tác phẩm nghệ thuật hàn lâm.

Lương tử hóa hội họa

Quay trở lại với “Luật phối cảnh” đã đưa trường phái Phục hưng Florence đạt được sự tinh hoa của kỹ thuật vẽ, đến mức ảo giác của thế giới trong tranh tương đương như thế giới hiện thực mà ta đang sống. Thời kỳ này, từ Italy, Đức đến Bắc Âu có những tên tuổi vĩ đại trong hội họa như Raphael, Sandro Botticelli, Titian, Hans Holbeincon, Jean Fouquet… và Leonardo da Vinci.

Kiến trúc sư Filippo Brunelleschi

Điểm đặc trưng nhất của Luật phối cảnh là “thế giới được mô tả từ một điểm nhìn duy nhất.”  Điều này khiến khung tranh cũng tương đương khung cửa sổ. Thế giới qua ô cửa sổ này chính xác, tinh tế đến từng đường nét. Sự bí ẩn quyến rũ của Mona Lisa vẫn làm loài người điên đảo sau 600 năm cũng bởi xảo thuật của Da Vinci trong cách xử lý ánh sáng thông qua việc làm mờ dần tông màu trên khuôn mặt Mona Lisa. Một  phép màu làm thần thái nhân vật ẩn hiện trong không khí. Mỗi khuôn hình của những họa sĩ thời kỳ Phục Hưng từ ánh mắt, tư thế, bố cục nhân vật luôn hàm chứa mọi thông của cả một phông nền văn hóa đúng thời kỳ đó.

Dần thống trị hội họa qua nhiều thế kỷ, Luật phối cảnh đã phát triển đến mức có thể truyền tải thông tin như một lời tuyên ngôn chính trị của anh em nhà Horatii trước cách mạng Pháp -1784, như một bài phóng sự trong trường phái Tân cổ điển vạch trần tội ác trên chiếc bè Medusa – 1816 hay như tuyên ngôn rốt ráo một tinh thần khoái cảm thị giác trong những bức họa mang phong cách Baroque (thế kỷ 17) và phong cách Rococo (thế kỷ 18)

Bước sang thế kỷ 19, tầng lớp tiểu tư sản làm thay đổi thế giới hội họa khi không đóng khung mình vào những bức tranh hàn lâm. Nhu cầu tiếp cận chủ đề cuộc sống thường ngày trở nên tự nhiên, thoải mái hơn. Sự thoái trào của tầng lớp quý tộc khiến giai cấp trung lưu, hạ lưu cũng là một đối tượng quan sát, truyền đạt của hội họa. Cuộc cách mạng phi giai cấp xuất hiện âm thầm qua các chủ đề từ lãng mạn đến tả thực. Những họa sĩ đã có thể vác giá vẽ ra ngoài cuộc sống thoáng đãng cùng những tuýp mầu gọn nhẹ vừa mới được phát minh. Đã có một trường phái hội họa độc đáo được sinh ra: Ấn tượng.

Không khó để lý giải chữ “ấn tượng” khi ta quay lại “cơ chế nhìn” đã được viết ở trên: những hình ảnh được ghi lại mang đậm nhận thức chủ quan của họa sĩ và những phần còn lại dành cho người xem tiếp tục điền vào những vệt màu phóng khoáng tùy vào kinh nghiệm quan sát cuộc sống của chính họ. Giai đoạn này, là thời kỳ các họa sĩ làm việc với tinh thần của một nhà khoa học nghiên cứu ánh sáng, màu sắc và họ không ngại ngùng đón nhận những thành quả mới mẻ do khoa học mang lại.

Claude Monet

Điều gì khiến sự chủ quan trong nhận thức trở thành một giá trị được ghi nhận? Claude Monet và những nghệ sĩ cùng thời đã đi đến cùng trong việc vẽ những ấn tượng nguyên sơ, ban đầu của sự vật mang đến. Đây là một thái độ thành thật và nghiêm túc của một “nhà khoa học” khi tuyên bố: tôi chỉ vẽ lại cái mà tôi thực sự nhìn thấy và không cố vẽ tiếp những dự định sẽ nhìn thấy hoặc những cái muốn nhìn thấy. Người nghệ sĩ tạo ra một góc nhìn chủ quan bằng thái độ nghiêm túc và không chạy theo sự mong muón “tồn tại của số đông”. Để biết chắc được những gì mình nhìn thấy, Monet đã vẽ cùng một đối tượng trong nhiều thời điểm khác nhau, dưới nhiều hướng sáng khác nhau và từ đó rút ra được một tầm nhìn tổng thể về màu sắc, ánh sáng thay vì đi vào chi tiết mô tả như những họa sĩ thời Phục Hưng.

Max Planck

Ngoài ra, Cezanne cũng là một họa sĩ trung thành với sự thực khi luôn chất vấn sự vật quang cảnh của cuộc sống và không bao giờ cố xóa, hoặc tô vẽ đè lên nếu như chưa hiểu bản chất của nó. Sự trung thực này chính là nền tảng cho những họa sĩ trường phái Lập Thể sau này có thể xoay sự vật theo nhiều góc khác nhau trên cùng một mặt phẳng mà vẫn bảo toàn tính tổng thể của một đối tượng quan sát.

Và điểm quan trọng nhất của vật lý cuối thế kỷ 19 khi Max Planck “biến” ánh sáng thành những chuỗi hạt lượng tử vào năm 1900 thì trước đó không lâu George-Pierre Seurat cùng trường phái Tân Ấn Tượng đã biến hội họa thành những chấm màu thuần túy như một lời sấm truyền báo trước. Những chấm màu này không khác những tấm thủy tinh khảm thời kỳ Byzantine hay chính nó đã được gọi là mosaic hiện đại trong con đường tiệm cận sự chính xác của pixel của thời kỳ số.

“The Seine at Le Grande Jatte"-Georges Surat

Hành trình đi tìm “hạt cơ bản”

Cho đến thời điểm này chúng ta đã đi được một chặng đường dài trong lịch sử nhận thức thế giới của loài người qua hội họa mà tôi xin tạm rút gọn bằng 3 bước: hòa nhập cùng thế giới, cẩn trọng bước ra ngoài thế giới và trung thực quan sát thế giới. Khoa học của thế kỷ 19 đã bước sang giai đoạn tự hoài nghi chính các giá trị nền tảng tưởng chừng như vững vàng của toán học – vật lý cùng các định lý đã trở thành bất định ở cấp độ vi mô. Khi bắt đầu quan sát vũ trụ ngày càng xa hơn, chúng ta phát hiện ra, trái đất chỉ là một chấm tròn trong hàng vạn chấm tròn giữa một không gian vô tận. Vật chất cũng đã được chia nhỏ thành những chấm điểm nhỏ, siêu nhỏ và đến một giới hạn mà ánh sáng bao hàm cả tính chất sóng lẫn hạt của ánh sáng. Một ngành khoa học trước kia không chấp nhận tính “hai mặt đồng thời ” của một sự vật buộc phải định tâm quan sát – tư duy lại thế giới. Điều này không chỉ thay đổi chính khoa học mà còn tác động lên toàn bộ loài người. Bắt đầu từ sự đổ vỡ của các mô hình xã hội trên mọi cấp độ, những thể chế rồi đến chính sách khai thác tài nguyên trái đất của nhân loại cũng phải thay đổi.

Những chấm điểm của Roy Lichtenstei

Các họa sĩ đương thời đã phản hồi một thế giới đa diện trong cùng một mặt phẳng của hội họa Lập thể, các cấu trúc bội phân trong toán học được hội hoạ quan sát ở cấp độ trừu tượng hoặc biểu hiện ở trạng thái Siêu thực. Tại đây mỗi nét vẽ đều ẩn chứa rất nhiều giả định và không hướng đến mục đích trả lời một câu hỏi cụ thể. Cuộc chiến tranh thế giới thứ II và 2 biểu tượng chính đã làm con người buộc phải suy ngẫm nhiều hơn về đạo đức chứ không phải là khám phá thế giới. Đó là một hành tinh màu xanh giữa vũ trụ đen thẳm và những đám khói hình cây nấm màu trắng chết chóc. Niềm tin vô hạn vào quyền lực chinh phục của con người giờ đã được thay bằng sự hữu hạn của tài nguyên, lập tức đã đẩy loài người vào thời kỳ hoang mang không kém người tiền sử mò mẫm trong màn đêm nhận thức. Chỉ có điều, sự hoang mang giai đoạn này là một lời cảnh báo cho diệt vong hơn là hứa hẹn đầy mơ mộng trước kia.

Yayoi Kusama

Thế kỷ 20 chứng kiến nhân loại đã bắt đầu biết bấu víu vào nhau bằng cuộc chạy đua công nghệ số. Những cứu vãn trong niềm vui sản xuất hàng loạt của Pop-art bắt đầu thịnh hành. Các chấm điểm lại xuất hiện trong bản in phun của Roy Lichtenstein. Thế giới tiếp tục chứng kiến một tư tưởng mới bao trùm lên trạng thái hoài nghi, hoang mang của sự vô tận trong những chấm điểm mang tên nữ họa sĩ Kusama. Chúng ta đã thấy có một sự gặp gỡ giữa Đông và Tây diễn ra một cách hoàn mỹ từ triết lý Sắc- Không của Thiền Tông đến những hạt cơ bản của vật lý vừa Không vừa Sắc đang tác động đến nghệ thuật một cách âm thầm. Chấm điểm của Kusama có thể được nhận dạng là những nguyên tử đang bị chia nhỏ đến vi mô, hoặc cũng được ví như trái đất màu xanh trong vũ trụ. Số phận bất định của con người ở đâu giữa vũ trụ và các nguyên tử? Chúng ta đang nằm trong thế giới những cũng phải là người đang quan sát thế giới. Một công việc có quá khó khăn? Khi nhìn vào một tương lai đầy biến động đang tới, chúng ta sẽ nhìn thấy gì, học thêm được điều gì để biết đặt dấu chấm hết cho những tham vọng vô cùng của mình?

Theo https://tiesuc.wordpress.com

April 2024
Mo Tu We Th Fr Sa Su
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30 1 2 3 4 5

Sự kiện nổi bật

Hè vui sáng tạo

Lớp vẽ mỹ thuật thiếu nhi D.A.N Studio là nơi nuôi dưỡng và phát huy trí tưởng tượng phong phú của con trẻ, với phương châm tôn trọng cá tính...

Video Clip

 

 
 
 
 

D.A.N Studio

Tầng trệt tháp V3, tòa nhà Sunrise City, 23 Nguyễn Hữu Thọ, P. Tân Hưng, Q.7, Tp. HCM
028 7305 61 07    
admin@danstudio.vn    
danstudio.vn