Nguyễn Ngọc Đan và dải hẹp của tinh thần

Nguyễn Ngọc Đan là một trong số ít họa sĩ được đào tạo bài bản về mỹ thuật ở nước ngoài. Chị từng tốt nghiệp Thạc sĩ loại xuất sắc tại Học viện hàn lâm Quốc gia Mỹ thuật Surikov, Moscow, Nga và sinh sống tại Nga suốt 9 năm. Những tác phẩm hội họa của Đan nhận được sự quan tâm của đồng nghiệp, với những sáng tạo mới.

 1.“Dải hẹp của bầu trời” là triển lãm các tác phẩm mỹ thuật của Đan trong 7 năm, bắt đầu từ 2011 cho đến nay. Đó là khoảng thời gian mà Đan gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống riêng, và rơi vào trạng thái trầm cảm, buộc tự lấy hội họa là con đường để trút bỏ những tăm tối và cố sức thoát khỏi hố chôn niềm vui sống.

Triển lãm được khai mạc vào ngày 1/11 và kết thúc vào ngày 11/11, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM (97A Phó Đức Chính, Q.1).

“Dải hẹp của bầu trời” được chia làm ba giai đoạn, với ba bộ và ba cái tên: “Desolation”; “Sự sống mong manh”; và “Dải hẹp của bầu trời”. Mỗi bộ là 12 bức tranh khổ lớn chừng 90cm đến 200cm. Còn lại có khoảng 20 bức tranh khổ nhỏ. Với gần 60 bức tranh, đây quả là một triển lãm khá quy mô cùng sức vẽ bền bỉ, đối với một cá nhân nghệ sĩ.

Từ những bức tranh đầu tiên được trưng bày sau khi từ Nga trở về nước cho đến những bức tranh mới sáng tác trong thời gian gần đây, Nguyễn Ngọc Đan đã nhận được lời ngợi khen của một số nhà phê bình mỹ thuật và đồng nghiệp.

Về màu sắc trong tranh Đan, họa sĩ Ngô Đồng đã bình luận: “Tranh Đan dày công khi dùng những màu rất khó hòa hợp đặt cạnh nhau, chỉ cần sao nhãng dễ dãi một chút thôi là đã có thể chênh vênh khó chịu, Đan đã điều chỉnh chúng một cách tài ba bằng tỉ lệ các mảng màu lớn nhỏ hợp lý với sắc độ đậm nhạt hết sức lạ lùng tinh tế. 

Nhìn thì tưởng chừng đơn giản, nhưng Đan vẽ một bức tranh thường rất lâu, phải căn chỉnh từng li từng tí về độ nóng lạnh, sự hoà quyện và âm vang của sắc màu, để khi Đan dừng cọ, ký tên thì chẳng thể bớt thêm gì nữa”.

Với hình ảnh tĩnh vật với hoa và những bình thủy tinh trong bộ tranh thứ hai,  nhà báo Nguyễn Trọng Chức cũng không tiếc lời khen ngợi: “Cái bảng màu ở các bức tĩnh vật của Nguyễn Ngọc Đan tôi chưa thấy ở đâu cả: những mảng màu riêng biệt và những hòa sắc nhuần nhị không cố tìm cách gây ấn tượng tức thì nơi người xem mà cứ thong thả chạm vào phần hồn của họ, tựa như những giai điệu một khúc nhạc nào đó thật thân quen chợt ngân lên rộn rã… Tôi đã ở một mình trong phòng tranh ấy khá lâu, ngắm nhìn từng bức tranh rồi mới tìm thông tin về tác giả, để rồi hiểu được vì sao tranh của cô có được sự chắc tay về kỹ thuật và thủ pháp hội họa như vậy khi diễn đạt những cảm xúc sâu lắng qua tranh tĩnh vật”.

Còn với hình ảnh người phụ nữ cô đơn sầu muộn nude, nhà báo Đào Mai Trang cho rằng: “Nguyễn Ngọc Đan đã sử dụng màu và các sắc độ màu để bày tỏ tâm trạng của nhân vật. Màu xanh lục hòa với vàng, trắng, hoặc đen, tím, kể cả hồng, ở nhiều tỉ lệ khác nhau, theo những lớp màu dày mỏng khác nhau, tùy vào cung bậc cảm xúc và câu chuyện của từng bức tranh, chủ ý hướng tới nhân vật nữ duy nhất trong cả series tranh, hầu như ở trạng thái nude nhưng là nude trong cô đơn và mất mát tuyệt đối. Tuy nhiên, điểm đặc biệt quan trọng là mặc dù vẽ theo trường phái biểu hiện nhưng thay vì để cho mọi cảm xúc và suy nghĩ bùng nổ trên tranh, họa sĩ đã từng bước chậm rãi đi cùng cảm xúc của mình, kéo nó lặng lại. Sự trơ trọi của một cá nhân giữa thế giới này được thể hiện mạch lạc trên từng bức tranh”. 

Được nhận sự quan tâm nồng nhiệt từ những nhà chuyên môn như thế, không phải họa sĩ trẻ nào cũng có được. 

2. Mọi người biết đến Đan, là một nữ họa sĩ thuộc thế hệ 8X. Ít ai biết năm sinh thực sự của cô, và không hiểu vì sao

Đan lại không thích công khai tuổi tác thực của mình. Đan thường để mặt mộc, mặc quần áo đơn giản, rộng rãi, màu sắc trung tính, sao có thể vận động thoải mái. Tóc dài quá vai, cô hay để xõa, và mặc kệ cho chúng duỗi co một cách tự nhiên. Trên khuôn mặt nhỏ gầy vướng màu nắng ngăm ngăm, như thể không cần quan tâm đến chau chuốt, là đôi mắt sáng và nụ cười hiền. Gần như, với dáng đi nhanh nhẹn, cái khoát tay mạnh mẽ, cách nói rõ ràng gọn gàng, bộc bạch ý kiến một cách dứt khoát, Đan không cần khoác lên mình một vẻ yểu điệu thục nữ hay phong cách nổi bật khác người, nhìn vào là biết tính “nghệ sĩ” như nhiều đồng nghiệp mỹ thuật khác. Cô lẫn vào trong đám đông, ngồi lẩn khuất đâu đó như muốn giấu mình. Ngay cả ngày khai mạc triển lãm, thì nữ họa sĩ mộc mạc ấy vẫn chẳng cần tự cho mình quyền được chỉn chu hơn ngày thường. Dù bạn bè đứng xung quanh, nhưng Đan vẫn mang cái vẻ cô độc một cách kì lạ. Cũng như tranh của cô, cũng đầy tâm trạng bức bối đến ngẫn người trên mặt canvas.

“Desolation” được Đan vẽ trong 3 năm, từ 2011 đến 2014, theo phong cách biểu hiện. Đây là khoảng thời gian, mà như Đan tâm sự, rất u tối trong cuộc đời cô. Hình ảnh một người phụ nữ nude buồn rầu, và cô độc đầy mất mát tổn thương, lẩn khuất giữa màu sắc lạnh (chủ đạo là các gam màu xanh pha đen) trong không gian bức bối như muốn nuốt chửng, đè nát cơ thể người mỏng manh kia. Đan nói, cô muốn dùng màu sắc, mảng khối, cảnh vật… để nói lên tư tưởng của cô. Tranh của cô không phải là câu chuyện để kể rõ ra bằng hình hài cụ thể, mà chúng chỉ là biểu tượng cho trạng thái tinh thần. Cô đang đi sâu vào, khám phá, để tìm cho mình con đường riêng, và chúng lúc này đã thành hình.

“Sự sống mong manh” vẽ tĩnh vật với hoa và bình thủy tinh được sáng tác khi Đan bắt đầu mở D.A.N Studio, trung tâm giáo dục nghệ thuật cho thiếu nhi, từ năm 2015 đến 2016. Được tiếp xúc với tâm hồn trong sáng của trẻ thơ đã giúp cho Đan có cái nhìn tích cực và tươi mới hơn vào sống. Nhờ vậy tranh của cô cũng mang lại sự yên tĩnh và tươi sáng. 

“Dải hẹp của bầu trời” gồm 12 bức tranh mang đầy biểu tượng về tinh thần mà Đan mang, được vẽ từ năm 2017 cho đến nay. Cô dùng những hình khối cứng chắc, mảng màu đối chọi và gay gắt. Thể hiện sự tù túng chật hẹp của không gian đang ngày một thít chặt tinh thần vui sống của con người. Lồng chim, một thân cây mảnh trơ trọi cố vươn lên…

3. Ở cả ba bộ tranh, Đan đang cố đi tìm mình, thông qua những biểu tượng, có thể, cô đã diễn giải được cảm giác của mình qua hình ảnh, để người xem có thể cảm nhận cùng. Tuy nhiên, cái cần tìm kiếm ở đây, đâu là phong cách thực sự để mỗi nét vẽ, mỗi gam màu, mỗi ý niệm, người xem có thể thấy “Đan”, chứ không lẫn vào tác giả nào đó, vẫn cần thêm chặng đường dài phía trước.

Hi vọng, những hoạt động cộng đồng về mỹ thuật mà Đan đang tham gia, như kết nối các họa sĩ trẻ của Thành phố đến với các triển lãm, trại sáng tác quốc tế: “Yogyakarta - Saigon (TPHCM, 5/2015), Jogja - Saigon (Yogyakarta, Indonesia, 6/2015), hội chợ nghệ thuật Art Mart Khajuraho International 2016 (Madhya Pradesh, Ấn Độ, 2/2016), Đối thoại đương đại (Hà Nội, 10/2016), Doyenne (Hyderabad, Ấn Độ, 3/2017), Indonesia Vietnam 2nd Fine Art Exhibition (Breeze Art Space, Jakarta, Indonesia, 9/2017), Hội tụ Hội An (Hội An, Đà Nẵng, 10/2017), Abstract Party (Limanjawi Art House, Borobudur, Indonesia, 3/2018)…

* “Dải hẹp của bầu trời” gồm 12 bức tranh mang đầy biểu tượng về tinh thần mà Đan mang, được vẽ từ năm 2017 cho đến nay. Cô dùng những hình khối cứng chắc, mảng màu đối chọi và gay gắt. Thể hiện sự tù túng chật hẹp của không gian đang ngày một thít chặt tinh thần vui sống của con người. Lồng chim, một thân cây mảnh trơ trọi cố vươn lên…

Việt Quỳnh - Báo Đại Đoàn Kết

April 2024
Mo Tu We Th Fr Sa Su
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30 1 2 3 4 5

Sự kiện nổi bật

Hè vui sáng tạo

Lớp vẽ mỹ thuật thiếu nhi D.A.N Studio là nơi nuôi dưỡng và phát huy trí tưởng tượng phong phú của con trẻ, với phương châm tôn trọng cá tính...

Video Clip

 

 
 
 
 

D.A.N Studio

Tầng trệt tháp V3, tòa nhà Sunrise City, 23 Nguyễn Hữu Thọ, P. Tân Hưng, Q.7, Tp. HCM
028 7305 61 07    
admin@danstudio.vn    
danstudio.vn