Họa sĩ Eric Ravilious,1939, ảnh của Serge Chermayeff |
Tranh Ravilious kích thích, mê hoặc và đẹp. Đây là triển lãm lớn đầu tiên từ khi ông qua đời, tập trung vào Ravilious họa sĩ chứ không phải Ravilious nhà thiết kế và in ấn. Hơn 80 bức tranh màu nước cho thấy tâm thức họa sĩ phức tạp và bí ẩn, lạ lùng và vĩ đại.
Có lẽ Ravilious nổi tiếng nhất với thiết kế chiếc cốc mẫu tự đẹp mê hồn cho Wedgwood năm 1937, với từ vựng tuyệt vời theo những hình ảnh nhỏ: ấm sôi trên bếp, thợ lặn giữa bầy cá, lồng chim, ghế bập bênh cũ, cá voi phun nước, trăng non như mắt biếc giữa bóng tối. Cảnh lạ, di tích, hiện tượng thiên văn lẫn sự đơn giản hàng ngày in vào tâm trí ông rất tự nhiên. Cốc có thể mang chân dung tự họa nhiều sắc thái. Cốc thể hiện niềm yêu thích của Ravilious qua thế giới ông chọn để miêu tả. Cánh cửa bí mật trong tường vườn rau, đồi núi Wiltshire trập trùng với hình ngựa phi trên đá: thế giới mê hoặc của thời thơ ấu. Người xem phải chú ý vẻ đẹp bình dị, ngắm lại chi tiết đã bỏ qua, tranh Ravilious hòa nhịp với hiểu biết dân gian về những bức tường ghép không dùng vôi vữa, đồ sứ sọc xanh và trắng, luống rau đang xới, bó lúa mì, túp lều trên bãi biển và chong chóng xoay chỉ hướng gió.
Chiến thắng lẫy lừng ở phương Bắc (HMS Glorious in the Arctic, 1940) |
Từ rất sớm, nghệ thuật Ralivious cô đọng và bóp méo hình dạng thế giới, mỗi hình ảnh tiềm ẩn sự kỳ lạ. Ravilious nhận ra hình dạng lạ lùng nhất. Cánh máy bay khổng lồ tinh tế như cánh bướm lại đồ sộ như tác phẩm của điêu khắc gia vĩ đại Henry Moore. Sông Cuckmere uốn lượn qua cảnh quan như chữ viết Arab. Chiếc xe buýt phế thải biến thành con tàu trên biển cỏ. Ravilious thích liên tưởng, nhìn thấy sự gần gũi giữa đường sắt và bím tóc, ruộng cày và bức điện tín, đốm tuyết sớm và dấu chân trên cát ẩm. Ravilious yêu sự khác biệt: nhà xi măng to lớn lại sinh động nhẹ nhàng hơn dây thép gai quấn quanh. Vỏ tên lửa, bàn ba chân, cái cày gỉ sét, lá phong lữ nhiều màu: Ravilious tạo ký hiệu riêng cho từng thứ như thi sĩ đặt tên từng bài thơ. Nhà phê bình mỹ thuật Laura Cumming ngợi ca Ravilious trên tờ Observer là “Seurat của xứ Sussex” (George Seurat, 1859-1891, danh họa Pháp thuộc trường phái Tân Ấn tượng, Hiện đại).
Cái cốc ABC (Alphabet Mug, 1937) |
Ravilious bị chỉ trích vì niềm hân hoan trong nghệ thuật, cứ như thể ông phải tìm sự đau khổ trong cuộc sống. Tất cả tác phẩm kinh điển này của Ravilious có mặt ở triển lãm Dulwich. Nhà ở Furlongs với ghế ngay cửa mở, ánh sáng vùng South Downs chan hòa ngoài cửa sổ; phong cảnh qua kính xe lửa tuyệt vời: toa hành khách vắng tanh, con ngựa trắng qua ô cửa sổ, số 3 bí hiểm… Nội dung lẫn hình thức rõ ràng, thanh tao và đối xứng, màu trắng bừng bừng như ánh nắng mặt trời: đây là hiệu ứng nhà kính từ thiên đường. Tờ Times đánh giá Ravilious “tìm thấy hân hoan trong những điều bất ngờ”.
Con đường như phấn vẽ (Chalk Paths, 1935) |
Có lẽ ông có tầm nhìn thanh thản và hạnh phúc bình thường. Không có dấu vết khủng hoảng cá nhân buộc phải lạc lối. Chiến tranh, đến Scandinavia làm nhiệm vụ, đại úy thủy quân lục chiến Ravilious chú ý màu biển xanh ánh đen mờ lấp lóe chứ không phải tiếng rền đáng sợ của máy bay phía trên. Nhưng có thứ gì đó thật kỳ lạ, khó nắm bắt ám ảnh những bức tranh. Ý nghĩa con số 3 trong khoang tàu, bảng chữ cái và các ký hiệu định kỳ, hàng chục chiếc đồng hồ tích tắc hồi hộp là gì? Vắng tanh, nhưng người xem cảm giác có sự hiện diện của con người. Ravilious thường vẽ ánh nắng mặt trời trực tiếp qua mắt, khiến thế giới vô cùng sắc nét nhưng huyễn hoặc.
Phong cảnh từ xe lửa (Train Landscape, 1940) |
Căng thẳng trong tranh Ravilious không xuất phát từ choáng váng hoặc kịch tính, mà từ sự tái tạo những gì đã thấy theo cách riêng, từ thông điệp quyến rũ của dấu vết. Ánh sáng trở thành nhân vật chính trong rất nhiều tác phẩm. Bức Rye Harbour, nước là những dấu chấm mờ dần vào hư vô thật kỳ ảo. Trong Room 29, Home Security Control Room, trên sân khấu thời chiến nặng nề áp lực và đe dọa, một phụ nữ đọc thư trong hào quang sáng ngời, gợi nhớ tác phẩm của danh họa Vermeer. Ma quái. Ánh sáng leo thang cùng chiến tranh. Toán lính đứng trong thủy triều, bình minh ảm đạm lạnh lẽo, chờ gỡ bom. Bắc Cực đang có hiện tượng mặt trời lúc giữa đêm, ánh sáng mặt trời phản xạ trên mặt nước đóng băng, không trung hằn vệt hơi khói máy bay.
Con ngựa ở Westbury (Westbury Horse, 1939) |
Họa sĩ đã sớm lên chiếc máy bay định mệnh, bay vào ánh sáng và tan biến. Máy bay chở Ravilious mất tích ngày 2.9.1942 ở Iceland khi ông chưa tròn bốn mươi tuổi. Triển lãm này, người xem cảm nhận mạnh mẽ cái chết của Ravilious là sự chấm dứt đột ngột và đau đớn. Mạch sáng tạo vụt tắt. Ông sẽ làm gì nếu không mất tích ở Iceland? Có lẽ Ravilious sẽ đi nhiều hơn, thế hệ sau được chiêm ngưỡng thế giới sâu hơn qua chú giải hết sức cô đọng thành bức thi họa súc tích của ông: một thế giới vô cùng lạ lẫm, đẹp và hoàn hảo.