"Hội tụ Hội An" - Mỹ thuật trong dòng chảy hội tụ quốc tế

Trong khuôn khổ giao lưu và trao đổi văn hóa nghệ thuật của dự án International Exchange Exhibition (IEE) do họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan khởi xướng từ năm 2015, ngày 3/10/2017 vừa qua đã diễn ra cuộc triển lãm quốc tế ”Hội tụ Hội An”( Hoi An Convergence) bao gồm 21 họa sĩ của 3 nước Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ với 52 tác phẩm được trưng bày tại Công viên gốm Thanh Hà, Hội An do D.A.N Studio và Công viên gốm Thanh Hà đồng tổ chức. Các tác phẩm trong triển lãm được tuyển chọn bởi D.A.N Studio dưới sự hợp tác của Limanjawi Art House, Indonesia và Easel Foundation, Ấn Độ.

Các nghệ sĩ Việt Nam tham dự triển lãm gồm họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan - người sáng lập D.A.N Studio, họa sĩ Nguyễn Phương Hoa, họa sĩ Ngô Đồng, họa sĩ Nguyễn Thị Mai, họa sĩ Đặng Thị Thu An, họa sĩ Nguyễn Đức Huy. Các họa sĩ Việt Nam đã mang đến các tác phẩm với nhiều chất liệu như lụa của Nguyễn Phương Hoa, sơn dầu trên toan của họa sĩ Ngô Đồng, Nguyễn Ngọc Đan và Đặng Thị Thu An, Acrylic trên toan của Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Đức Huy.


Từ trái sang: Họa sĩ Hồ Đình Nam Kha – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Đà Nẵng; Họa sĩ Yashumi Ishii; Họa sĩ Erica Hestu Wahyuni; Họa sĩ Đặng Mậu Tựu - Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam; Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan; Họa sĩ Ngô Đồng; Họa sĩ Lê Bá Cang; KTS Nguyễn Văn Nguyên; Họa sĩ Nguyễn Thị Mai; Họa sĩ Nguyễn Phương Hoa

Về phía Indonesia có 6 họa sĩ, trong đó Erica Hestu Wahyuni là một nữ họa sĩ đương đại nổi tiếng đã có rất nhiều tác phẩm được các nhà đấu giá Christie’s, Sotheby’s cũng như Larasati giới thiệu và đã bán được với giá trung bình mỗi tác phẩm hơn 30.000 USD. Trong đoàn Indonesia có giám tuyển Umar Chusaeni và vợ là họa sĩ người Nhật Yasumi Ishii, cả hai là đồng sáng lập và điều hành Limanjawi Art House, nơi thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm cho các họa sĩ đương đại, có vị trí gần đền thờ Phật giáo lớn nhất thế giới Borobudur được xây dựng từ thế kỷ thứ 9 tại Magelang thuộc Trung Java, Indonesia, nơi thu hút rất nhiều du khách nước ngoài cũng như trong nước đến tham quan quanh năm vì đây là di sản văn hóa của nhân loại đã được UNESCO công nhận vào năm 1992. Đồng hành cùng nhóm họa sĩ đến từ Borobudur còn có nghệ sĩ Sujono Keron, một nghệ sĩ múa dân gian nổi tiếng kiêm họa sĩ và hai họa sĩ trẻ Wawan Geni và Utami AtasiaIshii.

Nhóm họa sĩ Ấn Độ gồm 9 người, trong đó có có giám tuyển Wahida Ahmed đại diện cho Easel Foundation, Simanta Baruah, Niva Devi, Dharmendra Prasad, Shampa Sircar Das, Lahming Mawii, Vishal Joshi, Tejinder Kanda, Jagmohan Bangani.

Thông qua cuộc triển lãm này, nhà tổ chức muốn giới thiệu văn hóa cũng như nghệ thuật đương đại của Indonesia và Ấn Độ đến gần hơn với công chúng, qua đó, các họa sĩ Việt Nam sẽ kết nối thêm được nhiều bạn bè đồng nghiệp ở hai quốc gia trên và dự kiến sang năm tới các họa sĩ Việt Nam sẽ có những chuyến đi triển lãm ở chiều ngược lại tại Ấn Độ và Indonesia.


Nhóm họa sĩ Indonesia trước giờ trình diễn điệu nhảy Jingkrak


Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan phát biểu khai mạc triển lãm “Hội tụ”

Ngay sáng khai mạc, ngày 3/10/2017, 15 họa sĩ của cả 3 nước đã có buổi giao lưu và cùng vẽ với các trẻ em làng gốm Thanh Hà và các trẻ em đến từ trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật Kỳ Anh, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Các họa sĩ đã cùng chơi đùa, giới thiệu cho các bé quá trình sáng tạo tác phẩm của chính mình. Dưới sự hướng dẫn của các nhân viên Công viên gốm Thanh Hà, các bé đã tạo nên những tác phẩm đáng yêu đa màu sắc với nhiều chủ đề. Bắt nguồn từ những hòn gốm nhỏ, họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan đã hướng dẫn các bé kết nối những sản phẩm của mình lên canvas thành một tác phẩm chung đa chất liệu một cách đầy ngẫu hứng mang tên “Rùa biển” được họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan hoàn thiện phần màu sắc sau cùng cho hoàn chỉnh. Tác phẩm đầy sáng tạo này ban đầu được dự kiến dành tặng cho trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật Kỳ Anh, nhưng sau đó được sự đồng ý của trường Kỳ Anh, tác phẩm đã được chuyển giao cho Bảo tàng Động vật biển ở Cù Lao Chàm trưng bày ở phòng triển lãm.

Vào buổi chiều cùng ngày, mở đầu chương trình khai mạc triển lãm là màn trình diễn điệu múa dân gian của Indonesia mang tên “Jingkrak Sundang” là điệu nhảy mô phỏng cuộc tranh đấu của các con vật trong rừng, được thực hiện bởi đoàn họa sĩ Indonesia, một tiết mục được chuẩn bị và tập luyện rất công phu. Các nghệ sĩ sử dụng các mặt nạ gỗ đeo từ mũi xuống cằm với nón mũ mô phỏng sừng con vật và đặc biệt là gương mặt và thân thể các vũ công nam giới được hóa trang kín bằng màu vẽ (body painting). Đây là một tiết mục hấp dẫn ngay từ đầu bởi sắc màu truyền thống rất cuốn hút và mang đậm tính dân tộc của cư dân quần đảo Java cùng với những bước nhảy hoang dã, quyến rũ của các vũ công trên nền nhạc truyền thống hòa tấu từ nhiều bộ gõ, cồng, chiêng. Điều độc đáo hơn là 5 họa sĩ có tranh tham gia triển lãm cũng chính là những vũ công trình diễn điệu nhảy này dưới sự huấn luyện và biên đạo của nghệ sĩ nổi tiếng của Indonesia Sujono Keron. Tiết mục đã nhận được sự ủng hộ và trầm trồ không ngớt của quan khách và người dân địa phương đến dự khai mạc triển lãm.


Từ phải qua: KTS Nguyễn Đình Nguyên – Giám đốc Công viên gốm Thanh Hà; Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan; Họa sĩ Umar Chusaeni; trẻ em trung tâm Kỳ Anh và các cô dạy trẻ; Họa sĩ Nguyễn Phương Hoa (áo đen); Họa sĩ Nguyễn Thị Mai

52 tác phẩm hội họa đa dạng về phong cách, từ Hiện thực đến Hồn nhiên, dù là hình cách điệu hay Biểu hiện đều là những góc nhìn riêng của các tác giả về cuộc sống hiện đại. Cuộc triển lãm chung này như một sự Hội tụ của những dòng chảy Mỹ thuật từ 3 nước Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ mà trung tâm gặp gỡ là tại phố cổ Hội An.

“Hội tụ Hội An” đã mang lại một luồng gió mới cho các cuộc triển lãm giao lưu quốc tế, thúc đẩy các chương trình hợp tác, trao đổi giữa các trung tâm Mỹ thuật các nước. Đây cũng là cuộc triển lãm Quốc tế lần thứ 6 mà D.A.N Studio đã tổ chức thành công trong vòng 2 năm qua, qua đó số lượng các họa sĩ Việt Nam có cơ hội tham gia giao lưu nghệ thuật tại các nước không ngừng tăng lên, điển hình là qua các cuộc triển lãm tại Jakarta, Indonesia tháng 9/2017, tại Hyderabad, Ấn Độ tháng 3/2017, tại Yogyakarta, Indonesia tháng 7/2015, tại Hà Nội 10/2016 và tại Tp. Hồ Chí Minh tháng 5/2015. Ngoài ra, trong hai năm qua D.A.N Studio cũng đã giới thiệu nhiều họa sĩ Việt Nam tham dự các trại sáng tác quốc tế ở châu Âu và châu Á. Sắp tới, dự án IEE (International Exchange Exhibition) do hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Đan khởi xướng sẽ tiếp tục tìm kiếm sự tài trợ và tạo điều kiện cho nhiều họa sĩ tham gia dự án để cùng triển lãm giao lưu, mở mang quan hệ quốc tế, tham quan các Bảo tàng, Gallery nước bạn, qua đó phát triển kỹ năng và tư duy, thêm nguồn cảm hứng mới để sức sáng tạo ngày càng mạnh mẽ hơn.

Các tác phẩm trưng bày trong triển lãm:


Nguyễn Ngọc Đan – Dãi hẹp của bầu trời 2, sơn dầu, 100 x 120cm, 2017



Nguyễn Phương Hoa – Xuân, lụa, 45 x 121 cm, 2015


Nguyễn Thị Mai – Her chair 16, acrylic, 87 x 60 cm, 2017



Tác phẩm “Rùa biển” được hoàn thành bởi trẻ em trung tâm Kỳ Anh và họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan



Simanta Baruah (India) – Growth Engine, acrylic, 46 x 61, 2017



Sujono Keron (Indonesia) – Touring, acrylic, 95 x130 cm, 2015


Wahida Ahmed (India) – Followers, acrylic, 92 x92cm, 2017



Niva Devi (India) – Bottle Neck, acrylic, 61 x 92 cm, 2017


Wawan Geni (Indonesia) – Global Warming, sơn dầu và acrylic, 90 x70 cm, 2017



Umar Chusaeni (Indonesia), Confusing, acrylic, 150 x150 cm, 2016



Erica Hestu Wahyuni (Indonesia) – Elephant’s travel, acrylic, 200 x200cm, 2017

25/10/2017

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan

 

January 2025
Mo Tu We Th Fr Sa Su
30 31 1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31 1 2

Sự kiện nổi bật

Hè vui sáng tạo

Lớp vẽ mỹ thuật thiếu nhi D.A.N Studio là nơi nuôi dưỡng và phát huy trí tưởng tượng phong phú của con trẻ, với phương châm tôn trọng cá tính...

Video Clip

 

 
 
 
 

D.A.N Studio

Tầng trệt tháp V3, tòa nhà Sunrise City, 23 Nguyễn Hữu Thọ, P. Tân Hưng, Q.7, Tp. HCM
028 7305 61 07    
admin@danstudio.vn    
danstudio.vn