TTO - Nhiều năm gần đây, giới hội họa đã quen thuộc với Trần Thảo Hiền - nữ họa sĩ thường xuyên đi lại sáng tác, dự triển lãm giữa Việt Nam và Nga.
Giờ đây, các họa sĩ có nhiều sân chơi hơn với các trang mạng mới được thành lập, nhưng với uy tín đã được tạo lập và số lượng thành viên lớn, Vietnam Art Space vẫn đang đóng góp vai trò quan trọng trong việc kết nối các họa sĩ với nhau và với các nhà sưu tập.
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Đan
Sang Nga học kinh tế nhưng Trần Thảo Hiền lại nên duyên với hội họa từ lớp học vẽ do Câu lạc bộ Phụ nữ quốc tế tại Matxcơva. Trần Thảo Hiền cũng đã sáng lập và điều hành Vietnam Art Space (VAS) - một trang mạng kết nối người yêu tranh với tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam - từ năm 2015 đến nay.
Triển lãm cá nhân "Trần Thảo Hiền: 15 năm hành trình nghệ thuật" của nữ họa sĩ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đến hết ngày 8-5 và sẽ tiếp diễn từ ngày 14 đến 18-5 tại Art Space (Hà Nội). Nữ họa sĩ đã có cuộc trao đổi ngắn với Tuổi Trẻ dịp này:
* 6 năm kể từ sau khi VAS ra đời, điều gì khiến chị cảm thấy tự hào nhất?
- Năm 2016, khi bắt đầu con đường sáng tác chuyên nghiệp, tôi tìm hiểu xu hướng sáng tác của nghệ sĩ Việt Nam đương đại. Tôi kết bạn với họ trên Facebook, rồi tìm kiếm trên cả Internet nhưng có rất ít thông tin. Vào thời điểm ấy, hầu hết các họa sĩ vẫn sợ tình trạng sao chép tác phẩm nếu đưa tranh lên không gian mạng.
Từ khó khăn đó, tôi thành lập VAS với mục tiêu trở thành sân chơi cho các nghệ sĩ với hy vọng họ có thể đưa tranh lên thường xuyên và giao lưu, học hỏi từ những tác phẩm tốt. Tôi có suy nghĩ khác về vấn đề bản quyền trong thời đại kỹ thuật số hiện nay. Nếu một họa sĩ càng giới thiệu tác phẩm của mình, họ càng tránh nguy cơ bị đạo nhái bởi khi ấy cộng đồng đã quen với nét vẽ, phong cách của họ.
Hiện nay VAS có hơn 53.000 thành viên, chúng tôi có thể tự hào là một bộ lọc để đóng góp cho thị trường mỹ thuật trở nên minh bạch và chuyên nghiệp hơn.
* Điều gì khiến VAS được cộng đồng nghệ thuật tin tưởng?
- Tôi có những nguyên tắc nhất định khi vận hành VAS, để có thể hoạt động đúng mục tiêu đề ra. Nguyên tắc quan trọng nhất vẫn là sự thẳng thắn. Chúng tôi từ chối đăng tranh của họa sĩ ít có sự thay đổi trong sáng tác. Nếu họ chỉ xào nấu lại những phiên bản trước của mình, tôi cho rằng điều ấy không có lợi gì cho cộng đồng, thậm chí còn khiến mọi người bị xao nhãng.
Trải qua nhiều năm vận hành, VAS không khác một cuốn nhật ký của giới hội họa, chỉ cần tìm kiếm tên của một họa sĩ thì ngay lập tức trang sẽ nhảy ra những tác phẩm và giai đoạn sáng tác của họ. Điều này vừa giúp ích cho các nhà sưu tập trong quá trình tìm kiếm thông tin, vừa thúc đẩy họa sĩ phải siêng năng sáng tạo để thay đổi diện mạo cuốn nhật ký của mình.
* Chị và VAS cũng thường xuyên tổ chức các chương trình đấu giá tranh từ thiện. Điều này có khiến tranh bị xuống giá và các nhà sưu tập chịu thiệt thòi?
- Tôi cho rằng không nên so sánh giá tranh thật và giá tranh đấu giá. Điều quan trọng trong những chương trình từ thiện là họa sĩ phải cân bằng các mục tiêu: giữa việc đưa tác phẩm của mình đến người mua và đóng góp cho cộng đồng. Các nhà sưu tập từ trước cũng sẵn sàng thấu hiểu cho mục đích xã hội này.
Theo báo tuổi trẻ online