Trẻ em và nghệ thuật

“Trẻ nhỏ cần nghệ thuật, văn chương, thi ca và âm nhạc nhiều như các em cần tình thương, khí trời trong lành và sự chơi đùa”. Đó là lời chia sẻ của nhà văn đương thời người Anh Philip Pullman, người viết nhiều tác phẩm thuộc hàng bán chạy nhất, có thể mang lại cho các bậc phụ huynh dăm suy nghĩ trong việc giáo dục con cái một cách toàn diện hơn.

Nhân bài viết của nhà văn Pullman, chuyên mục xin chia sẻ dăm suy nghĩ quanh đề tài này, cũng như chuyển dịch và giới thiệu đến các bạn bài viết ngắn này của ông.

tre-em-va-nghe-thuat1

Những cuộc khảo sát cho thấy không ít phụ huynh cho biết con cái họ không có hứng thú gì với các lãnh vực văn chương nghệ thuật, dù họ chưa bao giờ trò chuyện, tìm hiểu sở thích và khả năng của các em, cũng như tạo cơ hội cho các em tiếp xúc với chúng. Hoặc giả vì một lý do khác hơn là, họ cũng chẳng mấy hứng thú gì khi khuyến khích con cái phát triển dăm sở thích, đam mê trong những lãnh vực như vậy. Mặt khác, trong cuộc sống bận rộn và quan niệm về mức độ kém quan trọng hay cần thiết của những điều “bên lề” này so những môn học chính, việc cho các em tiếp xúc với các lãnh vực văn hoá và tinh thần này thường bị bỏ qua hay phó thác vào trường học. Nếu chúng ta chỉ chú ý đến điểm học của con cái và mơ ước, định nghĩa sự thành công của con cái, hay của chính mình trong việc giáo dục con cái, qua các thành công trong học vấn cùng nghề nghiệp chuyên môn mà các em đạt được, bỏ qua những điều có thể tạo nên các ảnh hưởng tích cực về đời sống tinh thần của các em khi trưởng thành, thì ở mặt nào đó chúng ta cũng đã lỡ mất cơ hội tạo cho các em một đời sống của những người trưởng thành trọn vẹn hơn.

tre-em-va-nghe-thuat

Câu hỏi đặt ra là, sự phát triển hay gắn kết ở mức nào đó trong lãnh vực văn chương nghệ thuật có giá trị như thế nào trong sự phát triển của trẻ em? Có thật sự cần thiết hay không hay chúng chỉ là thứ “xa xỉ”?

Ðã có không ít các nghiên cứu khoa học chứng minh những ích lợi khi mang các em đến với nghệ thuật. Các nhà giáo dục cho rằng, văn chương nghệ thuật không chỉ kiến tạo cho các em một nền tảng về hệ mỹ học với khả năng cảm thụ và trân trọng những cái đẹp vật thể và tinh thần, mà còn  giúp cho trẻ em khả năng phát triển trí tuệ và nhận thức, từ đó dẫn đến khả năng sáng tạo cao hơn. Chúng giúp cho các em phát triển kỹ năng xã hội và kỹ năng giao tiếp, khả năng tự diễn đạt về con người và tính cách của mình khi được tham gia hay gắn bó với các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong cộng đồng. Những trẻ em giàu cảm xúc vẫn dễ dàng cảm thông với người khác và tạo được những mối quan hệ xã hội tốt đẹp hơn. Ðó là những phẩm hạnh mang nhiều mặt tích cực cho việc thăng tiến nghề nghiệp.

Các dạng hình văn hoá nghệ thuật này có thể bắt gặp ở vô số điều, không chỉ văn chương, âm nhạc hay hội họa mà có thể kịch nghệ, nhiếp ảnh, lịch sử…, có thể cho các em tiếp xúc ở các dạng khác nhau, tùy thuộc vào từng độ tuổi để có những cơ hội tự khám phá chính mình cùng những đam mê trong tiềm thức. Cho các em làm quen và phát triển bất cứ môn nghệ thuật nào đó không phải để tìm kiếm một sự trình diễn, một hào quang cá nhân mà điều quan trọng là mang các em đến với những cái đẹp của tâm hồn và trí tuệ. Còn thì khả năng và đam mê của các em sẽ quyết định đích đến của mình. Một đời sống thú vị và hứng khởi, một tâm hồn giàu cảm xúc biết cảm thụ và trân trọng cái đẹp chung quanh, sẽ là những điều làm đời sống một người trưởng thành trọn vẹn hơn. Há không phải là những điều chúng ta đang mong ước cho con cái? Hơn nữa, nghệ thuật, âm nhạc, thi ca… không chỉ mang đến niềm vui cá nhân mà cũng có thể xem như một liệu pháp tâm lý hữu hiệu để giúp con người đạt đến sự bình an hay xoa dịu tâm hồn trước những trắc trở bất ngờ.

tre-em-va-nghe-thuat3
Thú vui của cựu TT Bush khi nghỉ hưu. nguồn i.imgur.com

Mời bạn cùng tôi nghe thêm chia sẻ của nhà văn Philip Pullman như đã nhắc bên trên.

“Trẻ nhỏ cần nghệ thuật, văn chương và thi ca, âm nhạc nhiều như các em cần tình thương, khí trời trong lành và sự chơi đùa. Nếu bạn không cho các em ăn, sự tổn hại được nhanh chóng nhận thấy ngay. Nếu bạn không cho các em hít thở một bầu không khí trong lành và chơi đùa thì sự tổn hại cũng có thể nhận ra, nhưng chẳng thấy ngay.  Nếu bạn không cho các em tình yêu thương thì sự thương tổn có thể chẳng thấy được trong hàng năm trời, nhưng nó có đó vĩnh viễn.

Nếu bạn không cho một đứa trẻ một không gian nghệ thuật, văn chương, thi ca và âm nhạc, sự tổn hại chẳng dễ  gì thấy được. Nhưng nó nằm ngay đó. Thân thể các em đủ khoẻ mạnh, các em có thể chạy nhảy, bơi lội, ăn uống và náo nhiệt theo kiểu thường tình của trẻ con, nhưng có gì đó đang bị thiếu sót trong các em.

Ðúng là có những người lớn lên mà chưa bao giờ đụng chạm đến bất cứ thứ nghệ thuật gì mà họ vẫn vui sống hạnh phúc, sống tử tế và có giá trị. Kể cả những người mà nhà họ chẳng có sách vở gì, họ cũng chẳng để ý tranh ảnh, âm nhạc. Nó cũng  là điều thường thôi. Tôi biết những người như vậy. Họ là những láng giềng tốt, là những công dân hữu dụng.

tre-em-va-nghe-thuat2
Cựu TT Clinton chơi nhạc. nguồn gettyimages.com

Nhưng với một số người khác, ở một giai đoạn nào đó của tuổi thơ, tuổi trẻ hay cả khi về chiều, bỗng bắt gặp một điều gì đó mà họ chưa từng nghĩ đến trước kia, những điều xa lạ với họ như phía khuất của mặt trăng. Như khi một ngày nào đó, họ bỗng nghe được một giọng đọc trầm ấm đang diễn đọc một bài thơ trên máy phát thanh, hay đi ngang ngôi nhà nhỏ có tiếng dương cầm thánh thót bay qua khung cửa sổ, bỗng nhìn thấy một bức tranh treo trên tường nhà ai đó. Nó hoặc như một cú giáng thổi tung họ hay nhè nhẹ làm họ ngất ngây. Họ chưa chuẩn bị gì cho điều này. Họ bỗng dưng nhận ra lòng mình ngập tràn niềm thôi thúc, dù họ chưa hề có ý niệm gì dăm phút trước đó, niềm thôi thúc, khao khát điều gì đó ngọt ngào và sảng khoái làm con tim mình xao động. Họ như muốn khóc, thấy xúc động, hạnh phúc, đơn độc và đón chào sự trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ và xa lạ. Ðể lắng nghe kỹ hơn bài thơ từ máy phát thanh, để đi gần lại khung cửa sổ phát tiếng dương cầm hay chẳng rời mắt bức tranh hút hồn. Họ muốn những điều vậy, cần chúng như người thiếu ăn cần thực phẩm, và họ chưa từng biết đến. Cũng chẳng từng có ý niệm gì.

Ðiều này tương tự như một đứa trẻ cần âm nhạc, hội họa hay thi ca, bỗng lúc nào đó sẽ bắt gặp. Nếu nó chưa xảy ra bởi vì các em chưa bao giờ bắt gặp, mà cũng có thể để cả cuộc đời mình đi qua một cách nghèo nàn về tinh thần mà không hay biết. Cái ảnh hưởng về sự “nghèo nàn” này không đột ngột hay nhanh và cũng chẳng dễ thấy.

tre-em-va-nghe-thuat4
Bill Gates, con mọt sách – nguồn UpDetails

Và như tôi đã nói, có những người, những người tử tế, những bạn bè tốt bụng và những công dân hữu dụng cũng đã sống trọn cuộc đời mình dù chẳng có chúng. Tất cả sách vở, âm nhạc, tranh ảnh dù có biến mất đi khỏi cuộc đời này thì họ cũng chẳng cảm thấy gì hay thậm chí không biết tới. Nhưng những khao khát vậy hiện hữu trong nhiều trẻ em và thường chưa bao giờ được đáp ứng, bởi nó chưa từng được đánh thức. Rất nhiều trẻ em khắp thế giới này bị thiếu thốn những sự cung cấp và dưỡng nuôi tâm hồn các em như vậy.

Chúng ta vẫn thường nói, một cách chính xác, là trẻ nhỏ được quyền có nơi ăn chốn ở, được giáo dục, được chữa trị y tế cùng những thứ khác. Chúng ta cũng phải hiểu thêm rằng, trẻ nhỏ cũng có quyền được trải nghiệm văn hóa, tinh thần. Chúng ta phải hiểu rằng, không có văn chương, thi ca, hội họa và âm nhạc, trẻ nhỏ sẽ bị nghèo nàn tinh thần.” (PP)

Theo: http://baotreonline.com

 

April 2024
Mo Tu We Th Fr Sa Su
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30 1 2 3 4 5

Big event

10 bức họa về phụ nữ nổi tiếng nhất hành…

(Văn hóa) - Những tác phẩm tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ, niềm cảm hứng bất tận và là một đề tài muôn thưở của hội họa.

Video Clip

 

 
 
 
 

D.A.N Studio

Sunrise City Building, Ground floor V3, 23 Nguyen Huu Tho Street, Tan Hung ward, Distric 7, HCM City
028 7305 61 07    
admin@danstudio.vn    
danstudio.vn    
Design by: mondialsolution.com